A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Hóa: Công nghiệp chế biến nông sản - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản là một trong những nội dung quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH.

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản là một trong những nội dung quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Đồng thời, là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán “Được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa cho các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, nhiều năm nay, tỉnh ta luôn quan tâm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Công nhân Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo, Công ty CP Thương mại Sao Khuê (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) vận hành dây chuyền chế biến lúa gạo tự động.
Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển công nghiệp chế biến của khu vực Bắc Trung bộ, bởi là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất khu vực miền Bắc, với 145.803 ha đất trồng lúa, 50.600 ha rau các loại, sản lượng 580.700 tấn; trong đó, đã xây dựng được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tập trung, với diện tích 12.560 ha, sản lượng 170.754 tấn. Diện tích trồng cây ăn quả 21.680 ha, sản lượng 30.480 tấn; trong đó, diện tích trồng cây ăn quả tập trung 7.000 ha, sản lượng 216.013 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ, phát triển ngành chế biến, từ đó nâng cao giá trị nông sản.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế này, tỉnh đã quan tâm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Theo đó, nhiều năm liền, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án chế biến nông, lâm sản, quy mô đầu tư 20 tỷ đồng trở lên và sử dụng tối thiểu 30% số lao động địa phương. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, rà soát, bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, có chính sách riêng cho doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản và doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân.
Mặc dù được tỉnh quan tâm đầu tư, tạo điều kiện, song tiềm năng về công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị bỏ ngỏ, nhiều nông sản chủ lực có tỷ lệ chế biến còn đạt thấp. Điển hình như đối với sản phẩm lúa gạo - là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn, với diện tích sản xuất hàng năm từ 236.000 đến 238.000 ha, sản lượng đạt từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn/năm, sản lượng gạo hơn 900.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới có 7 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 3 nhà máy chế biến lúa gạo có quy mô lớn, với tổng công suất 180.000 tấn/năm và được chế biến thông qua quy trình khép kín, chỉ chiếm 12,8% sản lượng lúa, 20% sản lượng gạo trên địa bàn tỉnh.
Hay như rau, quả là sản phẩm được sử dụng nhiều để chế biến nhiều mặt hàng từ thực phẩm dinh dưỡng, nước đóng chai, đến hoa quả đóng hộp, sấy khô. Với diện tích tương đối lớn, lại khá phong phú về chủng loại, chưa kể tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu này của tỉnh còn lớn, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện mới có 17 nhà máy chế biến rau, quả, với tổng công suất gần 110.000 tấn/năm, chiếm khoảng 18% sản lượng rau, quả hàng năm của tỉnh. Hơn nữa, các nhà máy chế biến rau, quả nói trên đều có quy mô, công suất chế biến nhỏ, nên chưa tạo ra được sản phẩm chế biến có thương hiệu. Còn tới gần 80% lượng rau, quả được sơ chế, đóng gói bảo quản cung ứng ra thị trường; những sản phẩm rau, quả phục vụ chế biến thì đa phần được các doanh nghiệp tỉnh ngoài tiêu thụ, vận chuyển đến nhà máy chế biến, khiến giá trị trong sản xuất nông nghiệp bị giảm đáng kể.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 235 doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản; 29 doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; 80 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản và hơn 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Hơn nữa, phần đa các doanh nghiệp này mới chỉ đạt ở quy mô vừa và nhỏ, thực hiện chế biến thô, chưa tạo ra được sản phẩm có thương hiệu riêng, nên chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Việc số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản ít, quy mô nhỏ, lẻ, tỷ lệ nông sản được chế biến đạt thấp đã và đang làm giảm đáng kể giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói hơn là diện tích rau, quả, nhất là cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, song số doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản lại tăng khá chậm cả về số lượng và quy mô.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản đang tăng cường đầu tư để hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hệ thống giao thông đến các vùng sản xuất để thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo vùng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh, sâu. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, xây mới các nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, lắp đặt hệ thống nhà mát, nhà lạnh trong bảo quản rau, quả. Bên cạnh đó, hướng dẫn các doanh nghiệp và các tổ chức khác thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu; xây dựng kế hoạch và các điều kiện để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu.
Theo Báo Thanh Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan