A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bà đỡ” cho nông nghiệp

Các dịch vụ cày ải, thủy lợi, cung ứng phân bón, tiêu thụ sản phẩm… góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở huyện Quảng Điền.

Rau má được HTX Quảng Thọ 2 bao tiêu

Nông dân Trần Thảo ở xã Quảng An nhận thấy, từ khi hợp tác xã (HTX) tổ chức dịch vụ bán phân bón đến tận hộ gia đình, đồng ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong quá trình sản xuất. Người dân không mất nhiều thời gian như trước đây khi phải đến tận HTX mua phân bón, hoặc mua trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp sản xuất lúa, hoa màu hiệu quả hơn trước.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTXNN Đông Phú, xã Quảng An chia sẻ, HTX luôn cố gắng phát huy vai trò “bà đỡ”, tạo điều kiện tốt cho nông dân ở khâu dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp. Ngoài các dịch vụ cày ải, thủy lợi, những năm qua HTX còn tổ chức dịch vụ cung cấp phân bón đến tận hộ gia đình, tổ chức thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và tiêu thụ lúa cho nông dân. Các dịch vụ hỗ trợ “đôi bên cùng có lợi”, HTX có nguồn thu trang trải hoạt động, nông dân giải phóng sức lao động và mang lại hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

HTXNN Kim Thành ngoài tổ chức các dịch vụ thủy lợi, làm đất, cung ứng vật tư, phân bón còn bao tiêu sản phẩm rau an toàn, hữu cơ kết hợp đầu tư công nghệ sơ chế sản phẩm cung cấp tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Không chỉ làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm, HTX còn có nhiệm vụ giám sát quy trình, quá trình sản xuất, tưới tiêu, bón phân… của nông dân nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. “Từ khi HTX tổ chức bao tiêu sản phẩm rau, người dân không còn lo đầu ra bấp bênh như trước. Giá rau cũng tương đối cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân”, bà Đinh Thị Di ở làng Thành Trung lởi xởi.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điển, ông Phan Văn Lự đánh giá, các HTX trên địa bàn huyện duy trì tốt khâu dịch vụ, làm “bà đỡ” cho kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là các khâu cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Trong đó phải kể đến các dịch vụ “truyền thống” như làm đất, thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật, bảo vệ sản xuất, cung ứng giống, vật tư, phân bón; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Để góp phần giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế tình trạng được mùa mất giá đang diễn ra hiện nay, nhiều HTX tổ chức liên kết với các doanh nghiệp triển khai dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thành viên. Trên địa bàn huyện Quảng Điền hiện có 14 HTX liên kết với nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh, các siêu thị lớn như BigC, Coopmart, Huế Việt triển khai mô hình cánh đồng lúa lớn, rau an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị. Ngoài cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, các DN bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. HTX Thiên Phát – nuôi trồng thủy sản tổ chức sản xuất, tiêu thụ lươn giống và lươn thương phẩm, thu mua, sơ chế sản phẩm cá rô phi phi lê cho các hộ nuôi.

Từ các dịch vụ sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định góp phần quan trọng trong triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có hai HTX sở hữu sản phẩm OCOP nông nghiệp, gồm HTXNN Quảng Thọ 2 được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao đối với rau má tươi và trà rau má; HTXNN Kim Thành được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao cho các sản phẩm rau sạch, an toàn, hữu cơ.

Tổng số HTXNN trên địa bàn huyện Quảng Điền hiện nay 23 đơn vị, trong đó 1 HTX thành lập mới. Các HTXNN chủ yếu tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Doanh thu bình quân mỗi HTX năm 2021 đạt 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 79 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động trong các HTX 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Bài, ảnh: Hoàng Thế


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan