Giá phân bón trong nước có thể duy trì đà giảm sâu?
Thị trường phân bón trong nước năm 2021 đã khép lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần ở mức giá cao nhưng theo xu thế giảm sau khi đã tăng hỗn loạn gần như suốt năm theo đà tăng của thế giới.
Vì vậy, nhiều người kỳ vọng, giá phân bón trong nước sẽ tiếp tục đà giảm trong năm 2022. Tuy vậy, thực tế cho thấy, thị trường phân bón vẫn có nhiều diễn biến khó lường.
Giá phân bón trong nước giảm trong những ngày đầu năm mới 2022. |
Theo Tập đoàn Vincam (nhà nhập khẩu phân bón), kể từ ngày 8/2/2022 (ngày 8 tháng Giêng âm lịch), các công ty và đại lý bắt đầu khai trương bán hàng trở lại, nhưng gần như không có các giao dịch lớn mà thay vào đó là bức tranh ảm đạm với mức giá bắt đầu giảm nhiệt.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc giảm giá ở tất cả các mặt hàng phân bón, trong đó có lẽ đầu tiên phải kể đến là do trong thời gian ngắn của năm 2021, giá phân bón trong nước đã tăng quá nhanh theo đà tăng của thế giới khiến hàng tồn của các đại lý có nhiều mức giá khác nhau, chênh lệch với biên độ lớn.
"Như vậy, nếu làm phép tính bình quân thì dẫu cho thời điểm này có bán ra giá thấp hơn với thời gian trước Tết cả triệu đồng/tấn vẫn còn có lãi đến vài ba triệu/tấn – đây là mức lãi trong mơ của ngành kinh doanh phân bón. Do vậy tâm lý chung là xả hàng để chốt lời", Vinacam đánh giá.
Nguyên nhân thứ hai, có lẽ cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy giá trong nước giảm, đó là sự điều chỉnh giá Urea của thị trường thế giới. Trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá Urea thế giới đã giảm 300-400 USD/tấn mà phản ánh rõ rệt nhất là qua đấu thầu mua 1.5 triệu tấn của Ấn Độ vừa qua.
Giá đấu thầu của Ấn Độ đã kéo giá Urea thế giới giảm đồng loạt trong đó giá Urea hạt đục tại khu vực Đông Nam Á cũng đã phản ánh mức giá mới. Tham chiếu giá đấu thầu Ấn Độ, nếu nhập về Việt Nam thì giá vốn chỉ còn khoảng 14.500.000 - 15.000.000 đồng/tấn so với giá bán (chưa trừ chiết khấu) của Đạm Cà Mau hiện tại là 16.500.000 đồng/tấn.
Mặt hàng Urea gần như là mồi dẫn, khi Urea tăng nó sẽ kéo theo các loại phân bón khác tăng và ngược lại. Tuy nhiên, Vinacam nhìn nhận thị trường năm nay có vẻ sẽ không theo quy luật này. Cho dù hiên tại các mặt hàng phân bón trong nước đã giảm từ 500.000 – 1.000.000 đồng/tấn so với trước Tết nhưng dường như nó bị ảnh hưởng ở nguyên nhân trên và do thời điểm vụ mới phải đến nửa sau tháng 3 mới bắt đầu.
Thêm vào đó, giá thế giới đối với DAP và Kali vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm mà ngược lại đang tăng nhẹ do chính sách hạn chế xuất khẩu DAP của Trung Quốc và nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới lên đến 4 triệu tấn của Ấn Độ, sự cải thiện về giá nông sản thế giới.
Tham chiếu giá DAP thế giới hiện tại, nếu nhập khẩu về Việt Nam, sau khi tính đủ thuế nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại theo chính sách hiện hành thì giá vốn bình quân vẫn ở mức cao trên 23.000.000 đồng/tấn. Đối với Kali dường như không có sự nhượng bộ nào từ các nhà cung cấp Israel, Ural Kali, Canada do tình hình cung cấp Kali của Belarus đang bị gián đoạn do cấm vận.
Trước thực tế trên,Vinacam nhận thấy rằng thật khó đưa ra nhận định chính xác cho Urea lúc này khi các thị trường tiêu thụ Urea chính, trong đó có Việt Nam sẽ đồng loạt bắt đầu vào tháng 3 tới đây, bên cạnh đó sự tăng giá của xăng dầu cũng sẽ khiến giá vận tải tăng trên toàn thế giới, điều này cảnh báo dấu hiệu giá Urea sẽ chững lại và quay đầu tăng nhẹ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Vinacam, Urea trong nước sẽ khó có cơ hội tăng mà sẽ điều chỉnh theo chiều hướng giảm ngay cả khi vào chính vụ, riêng DAP sẽ khó giảm thêm mà ổn định trong chiều hướng tăng ít nhất cho đến thời điểm xuất khẩu của Trung Quốc bình thường trở lại do nguồn hàng trong nước đã gần cạn kiệt.
Đối với Kali bột và mặt hàng NPK 16-16- 8 nhập khẩu sẽ giữ giá hiện tại khoảng 13.000.000 đồng/tấn do nguồn tồn kho khá dồi dào, nhưng Kali miểng sẽ tiếp tục tăng khi mùa vụ tới vào tháng 3/2022 và dự kiến sẽ trở lại mức 17.000.000 - 18.000.000 đồng/tấn do giá nhập khẩu đã lên đến 750 USD/tấn và nguồn tồn kho khan hiếm.
Trong một diễn biến liên quan, nhu cầu lớn từ thị trường thế giới tăng mạnh cũng khiến hoạt động xuất khẩu phân bón của Việt Nam hưởng lợi. Theo Bộ Công Thương, tháng 1/2022, xuất khẩu phân bsn tăng 682% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng cao, doanh nghiệp được lợi, song năm 2021 cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng phân bón trong nước để bình ổn thị trường, hỗ trợ nông dân.
Thy Lê