A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuần cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ nhưng vẫn cao nhất thế giới

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong tuần đã giảm khoảng 10 USD/tấn.

Các chuyên gia nhận định, giá giảm vào giai đoạn này là do thị trường trầm lắng, không còn nhiều hàng để giao dịch. Các nhà nhập khẩu cũng đang chờ đợi thu hoạch vụ Đông - Xuân để có nguồn cung dồi dào hơn.

Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 10 USD còn 653 USD/tấn, gạo 25% tấm của Việt Nam giảm 10 USD về mức 633 USD/tấn. Dù đã giảm nhưng gạo Việt vẫn giữ mức giá cao nhất thế giới.

Về phía các nhà cung cấp khác, Thái Lan đang đứng thứ 2 với giá bán gạo 5% tấm ở mức 648 USD/tấn, tăng nhẹ 5 USD/tấn so với hồi tuần trước. Giá gạo 25% tấm của nước này đang có giá 584 USD/tấn, ít hơn so với gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam khoảng 49 USD.

Giá gạo Pakistan đang đứng ở vị trí thứ 3 thế giới với mức chào bán gạo 5% tấm là 593 USD/tấn, gạo 25% tấm là 513 USD/tấn.

-8950-1703572777.jpg

Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo đều đang chờ đợi vụ thu hoạch Đông - Xuân.

Giá gạo Việt Nam và Pakistan đều giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trong khi giá gạo Thái Lan lại ngược chiều tăng. Nguyên nhân được cho là vì nước này liên tục ký được nhiều hợp đồng mới. Tuần trước, Indonesia và Thái Lan đã thảo luận về một hợp đồng lên tới 2 triệu tấn gạo; trong số này có 1 triệu tấn theo hợp đồng cấp chính phủ và phần còn lại theo thỏa thuận thương mại. Thông tin này, khiến giá gạo nội địa Thái Lan tăng nhanh.

Không chỉ vậy, tỷ giá đồng tiền của Thái Lan cũng mạnh lên so với đồng USD khiến giá gạo nước này nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với gạo Việt Nam.

Dù vậy, giá gạo Việt được cho là sẽ tiếp tục đứng đầu, có khả năng còn tiếp tục tăng lên vào cao điểm thu hoạch vụ Đông - Xuân vào tháng 2/2024 sắp tới. Bởi rất nhiều người mua đang chờ đợi để thu mua số lượng lớn.

Từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 7/2023 để đảm bảo an ninh lương thực và kiềm chế lạm phát, giá gạo tại các nguồn cung lớn khác, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Pakistan đều tăng kỷ lục. Thống kê đến hết năm 2023, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 8,2 triệu tấn, Thái Lan có thể lên tới 8,8 triệu tấn và Pakistan là 5 triệu tấn.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Nước ta vẫn còn nhiều dư địa ở các thị trường lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi…

Ngành hàng gạo trong nước đang tận dụng thời cơ, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt chú ý đến phát triển gạo chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để đáp ứng tốt thị hiếu của các khách hàng nhập khẩu, hướng đến mở rộng thêm thị trường.

Hiện, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn xuất khẩu gạo đã đề ra những kế hoạch cụ thể cho năm tới. Anh Trương Mạnh Linh, Giám đốc điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long cho biết: "Tập đoàn Tân Long đặt mục tiêu xuất khẩu 700.000 tấn trong năm 2024, 10 - 20% trong sản lượng đó sẽ là lúa chất lượng cao đến các thị trường châu Âu cũng như lúa giảm phát thải".

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết trong 2024 sẽ tăng diện tích liên kết sản xuất lúa lên thêm 267.750 ha. Đồng thời, ký kết hợp đồng với người dân để đáp ứng các chỉ tiêu đề ra.

Bích Tâm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan