Xuất khẩu thủy sản quý I/2023 đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm 27%
Theo Tổng cục Hải quan, ước xuất khẩu thủy sản quý I/2023 sẽ đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước xuất khẩu thủy sản quý I/2023 sẽ đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022.
Xuất khẩu thủy sản quý I/2023 đạt trên 1,8 tỷ USD |
Riêng tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 245 so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn giảm 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, xuất khẩu các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng dương 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ đạt 54 triệu USD. Riêng xuất khẩu các loài cá biển vẫn tăng nhẹ 3% đạt 435 triệu USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu cũng giảm theo.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng nhận định, trong nửa đầu năm 2023 xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid.
Xuất khẩu các loài cá biển tiếp tục tăng, trong đó có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công, xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu như cá hồi, cá tuyết cod, cá minh thái. Tại các nước đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống cho người tiêu dùng châu Á. Do vậy, xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.
Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.
Xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.
Từ thực tế biến động thị trường, các doanh nghiệp thủy sản đã có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.
Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, doanh nghiệp quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á, nghĩa là các dòng sản phẩm truyền thống của người châu Á vẫn đang hút khách: hàng khô, nước mắm, mắm ruốc…
Trong thời gian qua, các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao đã tích cực xúc tiến nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị, diễn đàn kết nối giao thương với một số thị trường. Các doanh nghiệp thủy sản mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình giao thương như vậy với các thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm để tìm kiếm bạn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường khó khăn năm 2023, doanh nghiệp rất trông chờ các cơ quan quản lý giúp tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản.