Vươn lên làm giàu từ thay đổi tư duy sản xuất
Tại Sơn La, các HTX đã tập hợp và làm thay đổi được tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng một vùng trồng, chế biến nông sản sạch, bảo vệ môi trường và khơi dậy niềm tin về mô hình HTX kiểu mới đang dần hiện hữu.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La đánh giá, trong xây dựng HTX nông nghiệp, vai trò của HTX và tổ hợp tác rất quan trọng để tạo ra những sản phẩm có giá trị đủ sức cạnh tranh trên thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Thu “vàng mười” từ sản xuất “xanh”
Theo đó, tham gia HTX, người dân được hướng dẫn, học hỏi những kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay về sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn, bền vững. Vì thế, không còn tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, hoặc mạnh ai nấy làm; sản phẩm làm ra cũng có giá trị gia tăng cao hơn, chất lượng đồng đều hơn và số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Điều này được chứng minh rõ nét trong lĩnh vực trồng cây ăn quả tại tỉnh Sơn La thời gian qua.
Các HTX chuyển hướng sang canh tác xanh tạo sản phẩm sạch, phát triển bền vững |
Cụ thể, trong 7 năm trở lại đây Sơn La trở thành một điểm sáng, một "hiện tượng" trong nông nghiệp của cả nước, đặc biệt diện tích cây ăn quả năm 2016 mới có 22.000 ha đến nay đã đạt gần 80.000 ha, lớn nhất miền Bắc.
Hành trình đưa Sơn La đến với thành công trong nông nghiệp là sự chuyển đổi từ tư duy đến hành động của hệ thống chính trị và bà con các dân tộc trong tỉnh, trong đó việc thành lập và phát triển các HTX, liên hiệp HTX đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, đặc biệt đối với một tỉnh có khoảng 80% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Điển hình như HTX Nông trại hữu cơ Pa Cốp (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) hiện có 10 thành viên, đang canh tác trồng 23 ha trồng cam đường Canh, 4 ha trồng cam Vinh và 20 ha trồng mận…
Anh Đỗ Quý Hạnh, Phó Giám đốc HTX cho biết, gia đình anh trồng 9ha cam đường Canh, 2ha nhãn muộn và 6 ha xoài ngọt. Về đầu ra, 40-50% sản phẩm của HTX Pa Cốp được Công ty CP Hỗ trợ Sáng kiến Kinh doanh Tạo tác động (MEVI) thu mua, phần còn lại bán cho thương lái. Vụ thu hoạch cam canh cuối năm 2021, đầu năm 2022 vừa qua, bình quân 1 ha của gia đình anh Hạnh đạt doanh thu 650 triệu đồng, trừ chi phí 150 triệu đồng, còn lại lợi nhuận đạt 500 triệu đồng.
Anh Hạnh cho biết, gia đình anh cũng như nhiều thành viên HTX đã chuyển hướng sang canh tác xanh, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Nhờ vậy giảm được chi phí phân bón, qua đó giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đất và môi trường, đồng thời đạt năng suất cao.
Theo anh Hạnh, qua 2 năm thực hiện, so với dùng phân bón hóa học thì dùng phân hữu cơ giảm 50% chi phí. Nếu sử dụng phân bón vô cơ như trước kia, thì mỗi năm phải chi phí tới 500 nghìn đồng phân bón/gốc cam, nhưng hiện nay với việc sử dụng phân bón hữu cơ chi phí giảm xuống chỉ còn 200 - 250 nghìn đồng/gốc cam. Cách làm này góp phần làm sạch môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năng suất, sản lượng và chất lượng cây ăn quả của gia đình cũng nhờ đó mà được nâng lên. Sắp tới, gia đình anh sẽ trồng thêm 30ha cam và làm theo hướng hữu cơ.
Một điển hình nữa là HTX Đại Phát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. HTX được thành lập vào tháng 3/2018, với 26 thành viên, canh tác trên 102 ha đất, sản xuất các loại cây ăn quả như: Nhãn, xoài, bưởi, na, chanh leo, rau củ. Những ngày đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật tổ chức sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, HTX Đại Phát đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, vay 300 triệu đồng, để đầu tư giống cây ăn quả, phân bón.
Tạo sức mạnh từ “ngôi nhà chung”
Ông Lò Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đại Phát thông tin: Vào năm 2019, HTX đã được Liên minh HTX tỉnh cho vay 300 triệu đồng để HTX mua phân bón, con giống đầu tư sản xuất, từ đó có nguồn vốn để tái sản xuất.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo kế hoạch, vùng quy hoạch, đặc sản, lợi thế vùng miền |
Hoạt động ngày càng hiệu quả, HTX đã thu hút ngày càng đông người dân trong khu vực tham gia HTX, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lò Văn Xuân, bản Nhạp, xã Cò Nòi cho biết: Từ khi vào làm thành viên HTX, kinh tế gia đình hơn hẳn so với trước kia. Theo đó, các vườn cây, vườn rau làm theo kỹ thuật nên năng suất cao hơn trước, trước đây làm ồ ạt, không theo kỹ thuật nên năng suất rất kém.
Cụ thể, sau khi tham gia làm thành viên HTX Đại Phát, ông Xuân đã được các thành viên, Ban quản trị HTX, cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ tiệc. Đến nay, ông Xuân có thể tự tin làm được, đồng thời điều kiện kinh tế gia đình ông cũng khá giả hơn hẳn từ khi tham gia HTX.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đã từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như hộ dân liên kết. Bà con các dân tộc dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững.
Trong nông nghiệp, sự phát triển của các mô hình HTX đã khắc phục được những tồn tại như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản. Các HTX đã triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ như: tạo điều kiện cho những thành viên nghèo ứng trước giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm; trang bị thông tin nông lịch gieo cấy, vay vốn sản xuất,... đến vụ thu hoạch sẽ trả cho HTX. Nhờ vậy, các thành viên luôn đảm bảo mùa vụ, có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập, từ đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo tại một số địa phương.
“Điều được nhất trong kinh tế tập thể, HTX chính là người nông dân biết hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo kế hoạch, theo vùng quy hoạch, đặc sản, lợi thế vùng miền”, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Sơn La nhìn nhận.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tích cực như tập trung tuyên truyền người dân nâng cao việc sản xuất nông sản số lượng lớn theo chuỗi giá trị, chất lượng cao; vận động, hướng dẫn các HTX áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho tỉnh. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn nguồn nhân lực cho các HTX, gắn với tham quan học tập kinh nghiệm và kết nối các doanh nghiệp, nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên, cũng như khẳng định vị thế của kinh tế HTX trong nền kinh tế của tỉnh.
Tại Đại hội VI Liên minh HTX tỉnh Sơn La xác định trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần có giải pháp đồng bộ để giúp cho thành viên ngày càng giàu có và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.
Đức Nguyễn