Vì sao có doanh nghiệp bất động sản có khả năng trả nợ, ngân hàng vẫn từ chối cho vay?
Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. 9 tháng đầu năm, tăng trưởng mới đạt 8,53%. Đến ngày 31/10, tín dụng tăng 10,08%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân còn thấp.
Ngày 11/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết mục tiêu điều hành của NHNN là làm sao vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vừa phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. "An toàn của hệ thống ngân hàng cần đặt lên trên hết và trước hết, bởi nếu hệ thống tín dụng tiềm ẩn rủi ro sẽ có hệ lụy rất lớn với nền kinh tế", bà Hồng nói.
Đây cũng là nguyên nhân mà từ 2011 đến nay, NHNN thấy phải sử dụng công cụ room tín dụng (hạn mức cho vay).
Ngân hàng Nhà nước khẳng định không cấm cho vay lĩnh vực bất động sản. |
Theo bà Hồng: "Với đặc điểm vốn nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng rất nhiều nên có giai đoạn trước đó tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trên 30%, có những năm tăng lên hơn 50%. Vì thế có những hệ lụy, rủi ro đối với lại hệ thống ngân hàng".
Bà Hồng cho biết: "Có những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn và NHNN đã áp dụng biện pháp room tín dụng để điều hành. Việc phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng với các tổ chức tín dụng (TCTD) đều phải căn cứ trên việc đánh giá xếp hạng cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức. Đi đôi với đó, thường xuyên giám sát và cảnh báo những TCTD tăng trưởng tín dụng cao và tiềm ẩn rủi ro".
Thực tế Thống đốc cho hay: "Có thể có những TCTD tăng trưởng tín dụng cao nhưng họ quản trị rủi ro tốt nhưng cũng có những tổ chức tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tiềm ẩn rủi ro".
Về việc tiến tới dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng, Thống đốc nêu rõ: Bối cảnh, điều kiện hiện nay, NHNN chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng. Bởi vì, với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Nhất là phân khúc của thị trường tài chính để đáp ứng nhu cầu trung dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phần, cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán chưa giải quyết được vấn đề vốn dài hạn.
Tuy nhiên, dù chưa bỏ hạn mức, nhưng NHNN đã linh hoạt hơn và có các giải pháp để đáp ứng nhu cầu tín dụng như cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại TCTD nào có khả năng mở rộng tín dụng nhưng đi đôi kiểm soát rủi ro sẽ là tiêu chí. Đồng thời, cân nhắc mục tiêu, ưu tiên của Chính phủ ở từng giai đoạn như ưu tiên lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu hay lĩnh vực kiểm soát rủi ro như thị trường bất động sản, đầu tư chứng khoán sẽ có điểm cộng, điểm trừ.
Bà Hồng nêu rõ sẽ tiếp tục theo dõi và khi điều kiện thị trường cho phép sẽ bỏ công cụ điều hành này.
Về lo ngại "chạy sô" tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng cuối năm, bà Hồng cho rằng đầu năm 2024, NHNN định hướng khoảng 15%. Tuy nhiên, NHNN sẽ theo dõi diễn biến của các biến số kinh tế vĩ mô thường xuyên liên tục, cần thiết thì điều chỉnh tăng hoặc giảm.
“Thường tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm. Theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng của 2 tháng cuối năm gần đây tăng khá cao, tăng 4-5%, thường dịp Tết nhu cầu nhập khẩu hàng hoá phục vụ dịp Tết nguyên đán, khoản vay ngắn hạn, mua hàng cung ứng. Khả năng cả năm có thể đạt được khoảng 15%", Thống đốc nói.
Liên quan đến cho vay bất động sản, bà Hồng nhấn mạnh: NHNN không cấm cho vay bất động sản. Các ngân hàng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của họ, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động. Huy động từ người dân cho vay với kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được vốn dài hạn nhưng có ngân hàng chỉ huy động được vốn ngắn hạn, vì vậy nếu cho vay trung và dài hạn thì họ phải cân đối.
Toàn hệ thống tín dụng của Việt Nam, tiền gửi huy động đến 80% là vốn ngắn hạn, nên khả năng cho vay tiếp tục thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc an toàn, để đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.
Theo bà Hồng, quá trình đánh giá có những doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng TCTD vẫn không cho vay bởi TCTD đó huy động vốn ngắn hạn, trong khi dự án bất động sản thường vay khối lượng vốn lớn, thời gian dài.
"NHNN hiện giám sát chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, theo quy định hiện nay không quá 30%, NHNN giám sát hằng ngày để có cảnh báo với các TCTD để cảnh báo an toàn hệ thống", bà Hồng nói.
Về nợ xấu, Tư lệnh ngành ngân hàng cho hay, khó có thể kiểm soát nếu nguyên nhân của nợ xấu là những yếu tố khách quan từ doanh nghiệp. Bản thân các TCTD cũng được chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu, khi cho vay thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro phải thận trọng và cân đối nguồn vốn của mình.
Thống đốc cho hay nợ xấu có xu hướng gia tăng. Cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tương tự gần bằng mức cuối 2023, tăng 2% so với 2022.
Lý do là từ 2020 đến nay, dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng mọi mặt kinh tế xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn khiến cho việc trả nợ ngân hàng gặp khó khăn.
Để kiểm soát nợ xấu, TCTD khi cho vay thẩm định đánh giá kỹ lưỡng khả năng trả nợ của khách hàng với khoản vay mới; nợ xấu hiện hữu, tích cực đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ và phát mại tài sản nợ xấu; NHNN có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của VAMC và công ty mua bán nợ. Dù vậy, bà Hồng thừa nhận việc này "cũng khó khăn trong bối cảnh hiện tại".
Trường hợp nợ xấu tăng cao, Thống đốc cho biết các TCTD nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, với nguồn lực tự cân đối là từ 50.000 - 60.000 tỷ đồng lãi suất, nhằm hỗ trợ khách hàng.
Đồng thời, bà khuyến cáo: “Doanh nghiệp và người dân cần tăng cường khả năng tài chính, cơ cấu lại cách thức quản trị dòng tiền. Có những doanh nghiệp có tiền, tài sản nhưng quản trị dòng tiền không tốt nên thanh khoản để trả nợ khoản vay thấp”.
Thanh Hoa