A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường hàng Tết online: Kiểm soát chặt chất lượng

Nhiều mặt hàng thị trường Tết online năm nay tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. Đáng nói, chất lượng sản phẩm được các sàn thương mại điện tử chú trọng.

Hàng nông sản tăng mạnh

Với sự tiện lợi và đa dạng nên nhiều năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, việc mua sắm các sản phẩm Tết Nguyên đán qua mạng xã hội đã trở thành trào lưu phổ biến, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được nhiều thời gian.

Nông sản là một trong những mặt hàng Tết online năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ
Nông sản là một trong những mặt hàng Tết online năm nay tăng mạnh. Ảnh: Phương Thảo

Thay vì phải "chen chân" ra chợ hay các trung tâm thương mại để lựa chọn sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần ở một chỗ và tìm đến các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiktok shop… cho đến nền tảng mạng xã hội: Facebook, instagram, zalo… dễ dàng tiếp cận các mặt hàng, đặc sản từ mọi vùng miền trên cả nước phục vụ ngày Tết.

Chị Trần Hải – nhàp ở phường Suối Hoa, TP. Bắc Ninh – cho biết: Ưu điểm của mua sắm online là tiếp cận được đa dạng mặt hàng trong thời gian ngắn, có thể so sánh mức giá ngay và tận dụng được nhiều mã ưu đãi, giảm giá. Người mua cũng không phải xếp hàng thanh toán trực tiếp mà sử dụng thanh toán online nên đỡ tốn thời gian.

Nhiều năm nay, ngoài những ngày thường thì dịp lễ, Tết đến gia đình chị Hải vẫn đặt hàng online, từ các mặt hàng khô như miến, măng, mộc nhĩ... cho đến thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, giò, chả, nem… “Nói là mua trên không gian mạng nhưng địa chỉ đặt hàng cũng là chỗ người quen, biết, bán hàng uy tín nên chất lượng sản phẩm rất yên tâm”, chị Hải chia sẻ.

Ghi nhận tại Bắc Ninh dịp Tết Nguyên đán năm 2025 cho thấy, sức mua tại các chợ truyền thống giảm mạnh so với trước. Các trung tâm thương mại, kênh siêu thị vẫn duy trì sức mua khá. Trong khi thị trường thương mại điện tử tiếp tục “bùng nổ”. Ước tính, sức mua mặt hàng nông sản khô trên các sàn tăng 20-30% so với những tháng trong năm.

Còn tại Vĩnh Phúc, nhiều mặt hàng cũng tăng 10-15%, đáng nói, người dân ở đây đã dần quen cả mua sắm trực tiếp và trực tuyến. Tại Siêu thị Go! Vĩnh Phúc, đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ mua hàng trực tuyến thông qua ứng dụng Go! siêu thị online dành cho điện thoại di động. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục sản phẩm, bỏ vào giỏ hàng trên app và lưu lại thông tin, địa chỉ nhà riêng để nhân viên siêu thị vận chuyển tới nhà.

Dịp Tết Nguyên đán 2025, nhiều địa phương trong cả nước cũng có chung sự tăng trưởng trên thị trường bán hàng online. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều là: Đồ trang trí nhà cửa, thực phẩm, bánh kẹo, đặc sản vùng miền, các mặt hàng nông sản Việt như: Hồng treo gió Đà Lạt, trà Shan tuyết Hà Giang, thịt trâu gác bếp, măng miến Cao Bằng... Theo số liệu từ Bưu điện Việt Nam, từ đầu tháng 1/2025 đến nay, sản lượng hàng hóa gửi qua bưu điện tăng 25% so với trước đó. Có thời điểm lên tới hơn 900.000 bưu gửi/ngày.

Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm

Nắm bắt được xu thế này, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác giám sát nguồn hàng từ khâu sản xuất để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời tập trung kiểm soát chặt chẽ chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử, nhất là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới, các trang mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Vì hàng nông sản, thực phẩm tươi sống khó bảo quản hơn, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhiều sàn đầu tư cũng như kiểm soát chặt chẽ khâu giao vận. Theo đại diện Shopee Việt Nam: Để đảm bảo lưu thông hàng hóa trong những ngày cận Tết và ngày Tết, sàn thương mại điện tử đã có kế hoạch làm việc với nhà bán hàng, những thương hiệu lớn để họ có sự chuẩn bị tốt về nguồn hàng, cũng như tuân thủ theo các quy định giao nhận, phối hợp chặt chẽ giữa sàn, nhà bán hàng và đơn vị giao nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những sàn thương mại điện tử kinh doanh uy tín, báo chí những ngày gần đây cũng phản ánh còn hiện tượng đặt mua thực phẩm qua mạng để sử dụng cho ngày Tết, nhưng khi hàng giao đến nơi vừa mở ra đã ôi thiu nhưng liên hệ cửa hàng để phản ánh thì không được phản hồi.

Giới chuyên gia khuyến cáo, ngoài hệ thống cửa hàng lớn bán hàng theo hình thức online, còn không ít cơ sở bán hàng online tự phát hiện nay không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và không đăng ký kinh doanh. Các địa chỉ sản xuất thực phẩm “nhà làm” được quảng bá trên mạng thường là địa chỉ ảo, gây khó khăn trong việc truy tìm nguồn gốc. Do đó, người mua hàng cần tìm hiểu những địa chỉ uy tín, cần chú ý đến hạn sử dụng và cách bảo quản theo khuyến cáo của nhà sản xuất...

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và lễ hội Xuân, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã lập 5 đoàn kiểm tra cấp trung ương tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó lưu ý xử phạt nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đối với người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo lưu ý: Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng…

Cùng với nỗi lo về chất lượng sản phẩm, dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm lý tưởng để các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý người dùng khi mua sắm nhiều, nhất là qua giao dịch online. Lợi dụng tâm lý săn sale, đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki… nên người dân cần cảnh giác để tránh bị thiệt hại.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết