A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo viên vùng núi chuyển mình cùng công nghệ số

Trước sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Tại nhiều địa phương khó khăn, nhiều giáo viên đã chủ động bắt nhịp, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Học ngoại ngữ bằng AI: Tại sao không?

Tại xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cùng với sự đổi thay diện mạo từng ngày nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác giáo dục ở đây cũng đang có nhiều bước tiến mới.

Đón chúng tôi trong một ngày cuối đông, cô giáo Hoàng Thị Nguyệt - Giáo viên Trường PTDTBT THCS Trung Thịnh tươi cười giới thiệu khu lớp học đã có nhiều đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy.

Cơ sở vật chất về công nghệ còn nhiều thiếu thốn ở trường THCS Trung Thịnh

Cơ sở vật chất về công nghệ còn nhiều thiếu thốn ở trường THCS Trung Thịnh

Cô giáo Nguyệt kể: “Ở vùng cao, đa số học sinh chưa có điện thoại và máy tính. Do vậy, các em cập nhật với thế giới công nghệ còn hạn chế rất nhiều, tỉ lệ phần trăm là ít”. Với quyết tâm “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, các thầy cô trong trường đã cùng nhau tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số giáo dục, đem lại luồng gió mới cho giáo dục vùng cao.

Với sáng kiến “Ứng dụng công nghệ AI trong việc dạy và học tiếng Anh”, cô giáo Hoàng Thị Nguyệt đã sử dụng công nghệ máy móc vào bài giảng, giúp giáo viên tiết kiệm sức lực, tuy nhiên vẫn đem lại hiệu quả vô cùng lớn đối với học sinh

“Hiện tại, tôi dạy tại trường là 21 tiết/tuần, và tôi còn dạy hỗ trợ cho trường tiểu học bên cạnh 28 tiết/tuần. Chính vì vậy, tôi phải sử dụng mic trợ giảng từ đầu tuần đến cuối tuần. Nếu trong lớp có một cái tivi và một cái máy tính, tôi sẽ hạn chế được việc phải nói.

Đặc biệt, máy móc công nghệ sẽ phát âm chuẩn hơn. Ví dụ, đối với bộ môn tiếng Anh, người máy phát âm chuẩn hơn và học sinh sẽ tiếp thu tốt hơn. Học sinh rất hứng thú với việc sử dụng công nghệ trong quá trình dạy và học, điều này giúp bài giảng sinh động hơn và các em tiếp thu bài tốt hơn”, cô Nguyệt cho biết.

Học sinh trường THCS Trung Thịnh tham gia thi Tiếng Anh  qua mạng Internet

Học sinh trường THCS Trung Thịnh tham gia thi tiếng Anh qua mạng Internet

Tại Trường PTDTBT THCS Trung Thịnh, cô giáo Hoàng Thị Nguyệt còn chia sẻ nhiều hơn về một lớp học giảng dạy miễn phí cho các em học sinh, để các em tạo niềm đam mê trong tiếng Anh, cũng như để đẩy mạnh kỳ thi IELTS trên tiếng Anh trên internet.

Cô Nguyệt kể lại, năm 2018, trong mỗi tiết dạy học sinh trung học cơ sở, các em trường tiểu học thường đứng ở ngoài cửa để dòm, nghe và xem. Bởi vì các em là người dân tộc, khi thấy dạy tiếng Anh, các em cảm thấy lạ và thích thú, nên cứ đứng ở cửa sổ xem.

“Xuất phát từ đó, tôi nhận thấy rằng các em cấp một rất thiệt thòi, không được tham gia học, trong khi các em lại thích bộ môn tiếng Anh. Tôi mới mở lớp dạy thêm mà không thu tiền vào thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Chỉ cần các bé có đam mê với môn học yêu thích, phụ huynh có thể cho con em mình đến học”, cô Nguyệt tâm sự.

Vượt qua khó khăn, cơ sở vật chất của nhiều trường học ở những vùng khó khăn đã đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ số trong dạy học

Vượt qua khó khăn, cơ sở vật chất của nhiều trường học ở những vùng khó khăn đã đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ số trong dạy học

Từ một lớp học nhỏ, cô Nguyệt dần dần đi xin nhà tài trợ, nhà hảo tâm, từng chiếc máy tính cũ... cuối cùng, lớp học đã nhận được hơn 20 bộ máy tính. Những kiến thức ngoại ngữ cũng được gieo trên mảnh đất vùng núi cao, dân tộc thiểu số từ đây…

Không để học sinh bị bỏ lại phía sau

Cùng với các giáo viên trẻ trong trường Tiểu học Thị trấn Gio Linh (Quảng Trị), cô giáo Nguyễn Thị Thúy An nhanh chóng thích ứng với việc sử dụng công nghệ trong hoạt động dạy học. Để tạo ra các bài giảng đa dạng, cô Thúy An cho biết, cô thường xuyên lấy tài liệu từ internet, sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu bài mà còn khơi dậy sự sáng tạo và khám phá trong các em.

Gắn bó với ngôi trường tại địa phương còn nhiều khó khăn, cô giáo Nguyễn Thị Thúy An cùng đồng nghiệp luôn chủ động tìm tòi, xây dựng những bài giảng sinh động, dễ hiểu, có thể trình chiếu trên máy tính để các em học sinh hiểu bài nhanh và hứng thú với việc học tập. Bên cạnh việc sử dụng các thiết bị giảng dạy trực quan, cô cũng hướng dẫn các em tìm hiểu về các lợi ích của công nghệ thông tin, cách sử dụng Internet sao cho an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng mạng xã hội và sa đà vào các trang web có nội dung xấu độc.

Trường tiểu học Thị trấn Gio Linh ứng dụng công nghệ vào các hoạt động dạy học, thi tiếng Anh qua mạng

Trường tiểu học Thị trấn Gio Linh ứng dụng công nghệ vào các hoạt động dạy học, thi tiếng Anh qua mạng

“Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng tôi luôn tìm cách sử dụng các thiết bị như máy chiếu và máy tính để hỗ trợ bài giảng. Những hình ảnh, video sinh động giúp học sinh dễ hiểu hơn và hứng thú hơn với bài học”, cô An nói.

Bên cạnh đó, cô còn khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến, từ đó tạo động lực cho các em phấn đấu học tập tốt hơn. Nhiều học sinh ở đây đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

Mặc dù có những kết quả tích cực, nhưng việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy ở các trường vùng núi vẫn gặp nhiều thách thức. Điều kiện hạ tầng mạng ở nhiều nơi còn hạn chế, khiến việc truy cập internet gặp khó khăn. Hơn nữa, không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị thiết bị công nghệ cho con em mình.

Trước những khó khăn này, cô Thúy cùng những người đồng nghiệp đã có nhiều buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên để cùng nhau nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ.

Cô và trò trường tiểu học thị trấn Gio Linh tham gia ngày hội STEM

Cô và trò trường tiểu học thị trấn Gio Linh tham gia ngày hội STEM

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là mục tiêu xuyên suốt được cô An cùng các thầy cô giáo trường Tiểu học Thị trấn Gio Linh thực hiện nghiêm túc trong những năm qua. Dù còn nhiều khó khăn so với các trường học ở các đô thị lớn nhưng các thầy cô giáo đã không ngừng nỗ lực học tập, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin với mong muốn tạo ra cơ hội học tập, mở ra tương lai mới cho các em học sinh.

 

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết