Nhìn lại năm 2024, liệu ngành thép đã tìm được cơ hội bứt phá?
Sau thời gian dài lao dốc, ngành thép nước ta đã đón nhận nhiều tín hiệu phục hồi trong năm nay.
Có thể nói, những điểm sáng đáng mừng này cho thấy ngành thép nước ta đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, với nhiều thách thức còn đang hiện hữu, ngành thép nước ta vẫn cần thêm thời gian để có thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới.
Thị trường thép nội địa đón nhận tín hiệu phục hồi
Trong giai đoạn năm 2022 – 2023, ngành thép nước ta đã chứng kiến sự lao dốc mạnh do phải đối mặt với loạt thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và nhu cầu sụt giảm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đầu 2024, ngành thép đã đón nhận những tín hiệu phục hồi ban đầu, bao gồm cả sự cải thiện nhu cầu trong nước đến bức tranh lạc quan hơn của ngành thép thế giới.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính riêng quý I năm nay, sản xuất thép thành phẩm của nước ta đạt 7,06 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ đạt 6,68 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt mức tăng 36% so với cùng kỳ lên 2,25 triệu tấn. Giá thép trong nước cũng hồi phục từ mức đáy 3 năm và liên tục tăng trong giai đoạn này. Tính từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, giá thép tại miền Bắc trải qua tổng cộng 6 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp. Giá thép cuộn CB240 tăng lên 14,34 triệu đồng/tấn, tức tăng thêm khoảng 910.000 đồng sau 6 lần điều chỉnh. Giá thép thanh vằn D10 CB300 cũng tăng lên 14,53 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 790.000 đồng so với cuối tháng 11.
Sang quý II, quý III, ngành thép trầm lắng trở lại, nhưng nhìn chung vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, cuối quý III đầu quý IV, ngành thép đón nhận lực đỡ quan trọng đến từ “sức nóng” của ngành thép Trung Quốc. Vào thời điểm này, giá thép tại đây đã phục hồi từ mức đáy nhiều năm và thậm chí leo lên mức đỉnh 3 tháng. Giá nguyên liệu thô sản xuất thép là quặng sắt cũng liên tục tăng cao. Theo đó, giá thép trên thị trường nội địa cũng bắt đầu tăng trở lại kể từ cuối tháng 9. Sau nhiều lần điều chỉnh tăng liên tiếp, hiện giá thép nước ta ổn định quanh vùng giá 14 triệu đồng/tấn.
Diễn biến giá thép xây dựng trong nước từ đầu năm 2023 đến nay |
Như vậy, nhìn nhận từ góc độ tích cực, ngành thép nước ta hiện đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần khôi phục lại sự ổn định. Nhiều doanh nghiệp chứng kiến sự cải thiện cả về nhu cầu tiêu thụ, doanh thu và biên lợi nhuận, hàng tồn kho giá rẻ dần được giải phóng, giá thép dần phục hồi trở lại. Mặc dù vậy, vẫn chưa thể khẳng định rằng ngành thép nước ta đã hoàn toàn phục hồi và sắp chứng kiến những bước dài tăng trưởng, do ngành công nghiệp này hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen.
Ngành thép vẫn còn đối mặt với nhiều “chông gai”
Đánh giá về triển vọng ngành thép thời gian tới, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định rằng năm nay, ngành thép Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi và dần ổn định trở lại sau thời gian dài lao dốc.
Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) |
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những dấu hiệu khởi sắc ban đầu, sự phục hồi này vẫn chưa chắc chắn và chưa bền vững do nhu cầu tiêu thụ không thực sự đột phá. Các dữ liệu phục hồi chủ yếu vẫn so sánh dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Thêm vào đó, ngành thép thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng thép Trung Quốc. Do vậy, trong ngắn hạn, ngành thép nước ta chưa thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới và dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm sau.
Thật vậy, mặc dù đang nỗ lực phục hồi, ngành thép nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Thứ nhất, sự phục hồi của ngành thép nội địa trong năm nay một phần vẫn xuất phát từ mức nền so sánh thấp của năm 2023, thay vì sự cải thiện rõ rệt trong nhu cầu tiêu thụ. Năm 2023 ngành thép nước ta đã chứng kiến sự lao dốc mạnh do thị trường bất động sản đóng băng, các dự án xây dựng giảm, ngoài ra còn bị tác động bởi sự suy yếu của ngành Trung Quốc. Nhu cầu sụt giảm mạnh đã khiến các doanh nghiệp liên tục hạ giá bán thép, đáng chú ý nhất là chuỗi giảm giá 19 lần liên tiếp kéo dài đến tháng 11, đưa giá thép trong nước về mức đáy 3 năm. Trong khi đó, xét bối cảnh ngành thép năm nay, so với quý I, thời điểm nhu cầu và sản xuất thép ghi nhận sự tăng trưởng tốt, quý II và quý III lại trầm lắng hơn hẳn.
Thứ hai, ngành thép nước ta bị chi phối rất lớn bởi ngành thép của Trung Quốc. Hiện quốc gia này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thừa thép và ngành công nghiệp khổng lồ của nước này đang trên đà thoái trào, giá thép liên tục lao dốc về mức đáy nhiều năm. Do đó, nước ta khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực như một “hiệu ứng domino”. Hơn thế, việc nước này liên tục đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ có thể khiến các doanh nghiệp nội địa đối mặt với nguy cơ mất thị phần.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc |
Thứ ba, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp vấp phải các vụ kiện phòng vệ thương mại, các hàng rào kỹ thuật chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ mà các thị trường nhập khẩu dựng lên. Theo thống kê, tính đến hết tháng 10/2024, trong tổng số 267 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam, có khoảng 30% số vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Đáng nói, những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của nước ta như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Ấn Độ…
Với những thách thức này, ngành thép nước ta khó có thể đạt được sự bứt phá mạnh mẽ trong ngắn hạn và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm tới. Nhưng xét về mặt cơ hội thì đây có thể coi là thời gian để ngành thép Việt Nam nỗ lực cải thiện và tìm kiếm hướng đi bền vững hơn trong tương lai.