A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD: Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Sau khi góp phần vào thành tích xuất nhập khẩu (XNK) ấn tượng với 500 tỷ USD, giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục các hoạt động cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, góp phần hoàn thiện thể chế, đàm phán và thực thi FTA… để góp phần đảm bảo phát triển bền vững hoạt động XNK, hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Công Thương.

Chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12, đúng 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD, xuất nhập khẩu (XNK) tiếp tục là điểm sáng trong năm 2019. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm XNK, giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp. Những giải pháp chủ đạo nào đã được đưa ra để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (XK), kiểm soát nhập siêu, mang lại được kết quả khả quan như vậy, thưa Bộ trưởng?

kim ngach xuat nhap khau dat 500 ty usd bo cong thuong tiep tuc ho tro toi da cho doanh nghiep

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Tháng 12/2019, kim ngạch XNK 2 chiều đã chính thức cán đích 500 tỷ USD, đây là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại thành tích này, phải quay ngược lại Quyết định 2471 phê chuẩn Chiến lược XNK hàng hóa bền vững thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2011. Chiến lược này đã bao trùm những nội dung cơ bản, những định hướng, mục tiêu nhằm hướng tới XNK bền vững. Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng XK đạt 10%/năm, đồng thời giải quyết cơ bản nhập siêu.

Tuy nhiên, 7 giải pháp lớn, bao gồm từ tăng cường năng lực sản xuất và XK Việt Nam theo hướng tập trung mở rộng, đồng thời phát triển theo chiều sâu, đến các nhóm giải pháp về phát triển thị trường, chính sách tài chính tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), xây dựng và hình thành thị trường cho tín dụng… đa dạng và đồng bộ đã giúp ta thực hiện tốt các lộ trình, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra tại Quyết định này.

Phải khẳng định, con số 500 tỷ USD kim ngạch XNK 2 chiều quả thực là con số ấn tượng, giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc Top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Đáng chú ý, không chỉ quy mô thương mại hai chiều đạt mức cao mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, để thể hiện rõ định hướng và mục tiêu đề ra, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các mục tiêu điều hành là cải thiện cơ cấu hàng XK, không chỉ hướng về chiều rộng mà còn tăng trưởng về chiều sâu. Nhờ đó, con số thặng dư ta đạt được đã lên đến gần 10 tỷ USD, là con số lớn. Theo kế hoạch, ta sẽ cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 nhưng thực tế, ta đã đạt thặng dư thương mại từ năm 2016 và con số này ngày càng được duy trì, thể hiện sự bền vững của hoạt động XNK.

10 tỷ USD thặng dư thương mại giải quyết rất nhiều vấn đề, đặc biệt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối của chúng ta ổn định ở mức cao đã đảm bảo tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tạo niềm tin và sự tin cậy của thị trường. Cũng như ổn định, duy trì và kiểm soát CPI, tạo ra môi trường thu hút đầu tư thuận lợi.

Ngoài một chiến lược rõ ràng và cụ thể, chính quyền và nhân dân các cấp, các hiệp hội ngành hàng, DN, tổ chức đều thấy vai trò của mình trong chiến lược này với những yêu cầu cụ thể. Nhưng phải nói rằng chiến lược đó là chưa đủ mà còn phải kể đến công tác tổ chức thực hiện, sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh các cải cách hành chính cũng như hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý để tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh theo tính chất rất kiến tạo, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, tạo nên cú huých cho sự phát triển của khối DN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân. Môi trường đầu tư thông thoáng cũng giúp thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài tương đối lớn, đến nay đã đạt con số hơn 360 tỷ USD. Như vậy, năng lực sản xuất của ta, thông qua nguồn đầu tư của các tổ chức nước ngoài ngày càng lớn, giúp hình thành những chuỗi giá trị sản xuất của khu vực, quốc tế.

Cuối cùng, một vấn đề khác cần phải khẳng định là với đà phát triển chung của đất nước, cộng đồng DN Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Không chỉ các DN có vốn đầu tư nước ngoài hay DN nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và cơ cấu XNK mà phải khẳng định đã có sự xuất hiện, trỗi dậy mạnh mẽ của thế hệ DN nhỏ và vừa. Chính thế hệ DN này đã tham gia trực tiếp vào tiến trình hội nhập của đất nước và đã có cải thiện đáng kể, không chỉ về năng lực XK mà còn về trình độ quản trị cũng như năng suất lao động và trình độ công nghệ của các lĩnh vực mà họ tham gia kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Khai thác tốt các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một trong những giải pháp giúp hoạt động xuất nhập khẩu liên tục đạt thành tích cao. Xin Bộ trưởng chia sẻ rõ hơn hiệu quả thực thi các FTA góp phần mang tới thành tích cao trong xuất nhập khẩu?

Kết quả XNK khả quan thời gian qua cũng chính là kết quả trực tiếp của chiến lược hội nhập với những bước đi rất mạnh bạo, kiên quyết, thống nhất xuyên suốt và rõ ràng bằng việc ta đang đàm phán ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được triển khai thực hiện, giúp hàng hóa dịch vụ của Việt Nam có điều kiện cạnh tranh thuận lợi với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

kim ngach xuat nhap khau dat 500 ty usd bo cong thuong tiep tuc ho tro toi da cho doanh nghiep

Hàng hóa Việt Nam hiện có mặt tại 200 thị trường

Bằng chứng là thuế suất phần lớn dành cho nông nghiệp, thủy sản và các hàng hóa khác về 0%, với những ưu đãi cũng như điều kiện thuận lợi khác thông qua các cam kết hội nhập về minh bạch hóa điều kiện thị trường, chúng ta đã có cơ hội đưa hàng hóa sang 200 thị trường, quốc gia trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại sang các thị trường này cũng duy trì con số rất cao, liên tục, lên đến 2 con số. Trong bối cảnh chung là cầu thế giới đang giảm nhanh và mạnh, sụt giảm và tăng trưởng âm trong XNK thì tốc độ tăng trưởng này là có thể khẳng định, ta đã khai thác có hiệu quả các FTA và các khung khổ hội nhập đã tham gia. Đây cũng chính là một bài học kinh nghiệm mà ta tiếp tục tổng kết để tìm hướng phát triển trong tương lai.

Năm 2020 được coi là năm bản lề quan trọng, năm cuối trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế, những mục tiêu và giải pháp gì đã được đặt ra cho hoạt động XNK trong năm 2020, thưa Bộ trưởng?

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình thế giới về cả khía cạnh chính trị và thương mại sẽ còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là các câu chuyện về diễn biến xung đột thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại giữa các cường quốc chưa chấm dứt và sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện phức tạp, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cấp độ. Bất ổn tại khu vực và quốc tế cũng tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng nhiều khía cạnh từ tôn giáo, đến vấn đề an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Điều đó có thể đe dọa đến ổn định của kinh tế và thương mại toàn cầu.

Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là chúng ta cần phải tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.

Thứ hai, cần tập trung vào các động lực cho tăng trưởng bằng cải cách thể chế cũng như pháp lý để có được sự phát triển về chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đầu tư và hội nhập.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện một cách nhất quán và kiên định chiến lược hội nhập. Chiến lược hội nhập ở đây không chỉ là việc cắt bỏ hàng rào thuế quan và khai thác mở cửa thị trường, mà điều quan trọng là cải cách trong tất cả các khía cạnh và lĩnh vực trong các cam kết hội nhập đã có. Đây chính là những giải pháp mang lại động lực cho tăng trưởng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn cả tiến bộ xã hội. Đó chính là nền tảng quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.

Chính vì vậy, yêu cầu tổ chức thực thi các cam kết hội nhập, từ việc nội luật hóa những cam kết trong các FTA cho đến việc đảm bảo tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho phù hợp với yêu cầu và thách thức trong các khung khổ hội nhập. Đặc biệt, tiếp tục nỗ lực trong hợp tác với các đối tác thương mại, nhất là đối tác có FTA để khai thác thị trường. Chúng ta đã đàm phán để có được các điều kiện cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng XK trong tiếp cận với thị trường các nước, đó đã là điều kiện rất thuận lợi và hiệu quả nhưng chưa đủ. Bởi một số loại hàng hóa như nông sản, thủy sản… khi tiếp cận thị trường cần có các loại giấy phép riêng. Cái đó lại phụ thuộc vào SPS, tức là các vấn đề về kiểm dịch động vật thực vật. Và muốn ký kết với các đối tác, chúng ta phải có được một thỏa thuận tương đương lẫn nhau về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra còn phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong từng lĩnh vực. Nếu không đồng bộ hóa các biện pháp đó bằng nỗ lực chung của tất cả các bộ, các ngành, cơ quan chức năng thì ta sẽ đánh rơi mất những lợi thế, cơ hội.

Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh đến một vấn đề tôi nghĩ sẽ có ý nghĩa quyết định, là khung khổ hợp tác công tư giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng DN. Bởi chủ thể của hội nhập kinh tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu chính là cộng đồng doanh nghiệp, còn nhà nước chỉ kiến tạo. Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từ các chương trình hành động đến các kế hoạch cải cách để xây dựng môi trường kiến tạo. Bộ Công Thương cũng sẽ tự xác định mình trong chương trình lớn đó để góp phần đảm bảo phát triển bền vững hoạt động XNK, hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN.

Lan - Hường - Cương (thực hiện)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan