A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạ lãi suất cho vay tiêu dùng để kích cầu tăng trưởng kinh tế

Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng được "bơm" ra nền kinh tế, tuy nhiên, để dòng tiền không bị "tắc", lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm thêm 1% để người dân và doanh nghiệp có thể hấp thụ dòng vốn.

Hiện các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay, nhưng doanh nghiệp không mặn mà. Theo đó các chuyên gia cho rằng cần kích thích tổng cầu, trong đó, kích thích tiêu dùng nội địa để giúp đơn hàng của doanh nghiệp tăng trở lại thì doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn để duy trì và mở rộng sản xuất.

Cần giảm thêm tối thiểu 0,5 – 1% lãi suất cho vay

Theo cập nhật mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Như vậy tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm. Với mức tăng trưởng tín dụng 4,73% trong nửa đầu năm, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế khoảng 560 nghìn tỷ đồng.

Tại Toạ đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới” tổ chức ngày 11/7, chia sẻ với VnBusiness, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, 6 tháng qua NHNN đã nỗ lực lớn trong việc hỗ trợ nền kinh tế khi có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Điều này giúp mặt bằng lãi suất 6 tháng đầu năm đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, về tổng cầu, sản xuất rất khó khăn, phản ánh sức hấp thụ của doanh nghiệp rất kém, nên việc giảm lãi suất không phải là điểm quan trọng nhất để hỗ trợ phát triển tổng cầu.

-6038-1689071805.jpg

Các chuyên gia kiến nghị giảm lãi suất cho vay để kích cầu tiêu dùng trong nước.

“Trong bối cảnh thu nhập của người dân sụt giảm, để kích cầu tiêu dùng, cần phải hạ lãi suất thêm nữa, bởi tín dụng tiêu dùng hiện nay vẫn còn cao, người vay đang phải đi vay đến 13 – 14%. Vì vậy, thời gian tới NHNN cần giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế”, ông Thế Anh kiến nghị.

Một chuyên gia kỳ vọng: Trong giai đoạn hiện nay, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp. Chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng. Khi lãi suất 'dễ chịu' hơn, mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn. Khi đó, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng.

Khảo sát của VnBusiness, hiện nay các ngân hàng tung ra gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng. Điển hình như: Vietcombank cũng vừa triển khai gói vay cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ có nhu cầu vay mua, xây sửa nhà, đất ở, vay sản xuất kinh doanh, vay mua ô tô, vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm… với mức lãi suất cho vay cố định từ 9,5%/năm tại các kỳ hạn trung và dài hạn, bao gồm từ 18 tháng đến 10 năm. Từ quý II/2023, Vietcombank đưa ra gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng.

Sẽ có thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 97 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đáng chú ý, trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, ngày 10/7, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã giao room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cả nước với mức tổng 11%, với định hướng cả năm tăng 14-15%.

Theo ước tính, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2023 là 14%, từ nay đến cuối năm hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho hay, đã nhận được thêm room tín dụng, song khác với năm trước cầu vốn tín dụng trong nửa năm nay tăng chậm nên nhiều nhà băng chưa sử dụng hết room nhận được đầu năm.

Thực tế, tín dụng nhiều nhà băng tăng trưởng âm trong gần 2 quý đầu năm nay. Tại Vietinbank ngân hàng lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.

Tín dụng của Agribank cũng tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm nay và chỉ mới tăng từ tháng 5/2023 nên ngân hàng cũng dần cắt giảm lãi suất huy động vốn. Trong khi, ACB tín dụng tăng trưởng âm trong quý I/2023 và chỉ bắt đầu tăng từ tháng 4/2023.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp có nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí đầu vào và đầu ra, nên mặc dù chính sách tiền tệ có hỗ trợ lớn nhưng không phải là yếu tố then chốt. Vì vậy, bên cạnh chính sách tiền tệ cần tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khoá.

Theo Công ty chứng khoán ACB (ACBS), sản xuất và tiêu dùng là 2 lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất.

“Chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ là giải pháp khơi thông dòng vốn", một chuyên gia nhận định.

Huyền Anh


Tác giả: Cần giảm thêm tối thiểu 0,5 – 1% lãi suất cho vay
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan