A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghiệp năng lượng là đột phá cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tại Công văn số 2528/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022.

Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết sự cần thiết và ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Bộ Chính trị xác định phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của Vùng, trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong Vùng và cả nước.

Qua tổng kết đánh giá 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và 9 năm thực hiện Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI cho thấy Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển khá toàn diện nhưng cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế và thách thức mới.

Công nghiệp năng lượng là đột phá cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong phát triển của Vùng thời gian qua. Trong đó có nguyên nhân bởi tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thay đổi dòng chảy sông Mê Công, chặt phá rừng... Nhưng đồng thời, cũng nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan bởi tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới; cơ chế điều phối, kết nối vùng còn nhiều bất cập; thiếu hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội để quản lý, điều tiết vùng. Chưa có chính sách đủ mạnh để tạo được bước đột phá cần thiết cho khu vực và một số địa phương trọng điểm...

Trước yêu cầu và đòi hỏi đối với sự phát triển chung của cả nước và của Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những giai đoạn phát triển tới đây, việc Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm đề ra quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để tạo bước phát triển nhanh và bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Những điểm mới quan trọng và điểm trọng tâm đột phá trong Nghị quyết số 13-NQ/TW cần được lưu ý là gì, thưa đồng chí ?

Đồng chí Trần Tuấn Anh: Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế của Vùng và những vấn đề đặt ra cho phát triển Vùng trong thời gian tới, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã cập nhật, bổ sung các quan điểm, chủ trương mới của Đảng thời gian gần đây, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời cập nhật, đánh giá bối cảnh mới, tình hình mới tác động đến vùng để xác định các quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp toàn diện cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những giai đoạn phát triển tới đây với 5 nhóm quan điểm và 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Trong đó, Bộ Chính trị đã đề ra những quan điểm, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp mới có tính đột phá cho phát triển của Vùng thời gian tới, thể hiện ở những điểm căn bản đó là: Phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành Vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững. Lấy con người làm trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng qui luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của Vùng. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Công nghiệp năng lượng là đột phá cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

Công nghiệp năng lượng là đột phá cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Đồng thời, cần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử, văn hóa sông nước, miệt vườn; văn hóa các dân tộc của Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững. Tăng cường quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Những quan điểm, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 13-NQ/TW là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Đặc biệt, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là các địa phương Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết