A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy tụ trí tuệ và tài năng phát triển đô thị, nông thôn Lâm Đồng

Quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý đô thị nhằm tập hợp những ý tưởng, ý kiến đóng góp về lĩnh vực quy hoạch - phát triển đô thị (QHPTĐT); kết nối nhà quản lý chính sách với các hoạt động chuyên gia trong công tác tham vấn, phản biện xã hội... Đó là lý do và ý nghĩa để thành lập Hội QHPTĐT tỉnh Lâm Đồng.   

 

Thành phố Đà Lạt - đô thị năng động và xanh, sạch, đẹp. Ảnh M.Đ
Thành phố Đà Lạt - đô thị năng động và xanh, sạch, đẹp. Ảnh M.Đ
 
Lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị - nông thôn rộng lớn, tích hợp các hoạt động về hoạch định chiến lược kinh tế, văn hóa, xã hội; định hướng và dự báo quy hoạch; các hoạt động liên quan đến đầu tư - xây dựng - môi trường... Vì vậy, không chỉ tập trung đội ngũ kiến trúc sư (KTS), mà còn cả những đô thị gia, nhà quản lý chính sách, chuyên gia kỹ thuật đa ngành và chuyên ngành, các nhà đầu tư phát triển đô thị, kinh doanh du lịch và bất động sản... Ở Lâm Đồng hiện nay, có 16 đô thị, trong đó thành phố Đà Lạt là đô thị loại 1, thành phố Bảo Lộc là đô thị loại 3, thị trấn Liên Nghĩa đô thị loại 4 và 13 thị trấn các huyện là đô thị loại 5. Các đô thị trong tỉnh ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô và chất lượng hạ tầng ngày càng nâng lên. Thực tiễn đó càng đòi hỏi sự ra đời một hội nghề nghiệp ở Lâm Đồng. 
 
Từ tháng 7/2019, Ban vận động thành lập Hội QHPTĐT tỉnh Lâm Đồng được thành lập với 7 thành viên. Trong 4 tháng hoạt động, đến nay, Hội QHPTĐT đã có 49 hội viên. Ngày 4/11, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2365/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội QHPTĐT tỉnh Lâm Đồng, và ngày 10/10, Trung ương Hội QHPTĐT Việt Nam ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-VUPDA kết nạp Hội QHPTĐT tỉnh Lâm Đồng làm thành viên. Hội QHPTĐT Lâm Đồng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp những người làm công tác nghiên cứu, quy hoạch và quản lý, phát triển đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, thuộc mọi thành phần, trên cơ sở tự nguyện tham gia để hoạt động có tổ chức. Mục đích của Hội là phát huy trí tuệ, tài năng và nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp, phục vụ công cuộc cải tạo xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn trong tỉnh theo tiêu chí văn minh, hiện đại và bền vững; góp phần thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và địa phương. Hội hoạt động theo Điều lệ được UBND tỉnh phê duyệt; tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh. Ảnh: M.Đ
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh. Ảnh: M.Đ
 
Tại Đại hội thành lập, Hội QHPTĐT Lâm Đồng sẽ thảo luận và thông qua Điều lệ Hội; bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ thứ nhất (2019-2024) và Ban chấp hành sẽ bầu chọn chức danh Chủ tịch Hội, 2 Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm tra. Theo dự thảo về phương hướng hoạt động của Hội do Ban vận động xây dựng, sau khi tổ chức thành công Đại hội toàn thể lần thứ I, các ủy viên Ban chấp hành sẽ được phân công nhiệm vụ; xây dựng Quy chế hoạt động Hội trên cơ sở Điều lệ Hội được Đại hội thông qua và UBND tỉnh phê duyệt. Đại hội cũng bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Hội QHPTĐT Việt Nam vào ngày 20 và 21/12/2019. Mặt khác, Hội tiếp tục vận động và phát triển hội viên mới, nhất là tại các địa bàn đô thị huyện lỵ trong tỉnh. Về xây dựng cơ sở vật chất, Hội sẽ nghiên cứu đề xuất thành lập mô hình doanh nghiệp tư vấn thuộc Hội quản lý, nhằm tập hợp và phát huy năng lực chuyên môn của hội viên trên từng lĩnh vực chuyên ngành, tạo thêm việc làm và thu nhập cho hội viên cũng như tạo kinh phí hoạt động của Hội. Theo đó, từng bước xây dựng quỹ Hội trên cơ sở hội phí và kinh phí từ các nguồn hỗ trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật. Hội cũng sẽ phát huy hoạt động tuyên truyền thông tin bằng các hình thức... 
 
Đối với hoạt động chuyên môn, Thường trực Hội tham gia Hội đồng chuyên môn do các cơ quan thành lập, cử hội viên tham gia các sinh hoạt chuyên môn - nghiệp vụ bên ngoài. Hội cũng sẽ thành lập Tổ tư vấn quy hoạch để tham mưu ý kiến phản biện cho Thường trực Hội; tổ chức lấy ý kiến hội viên đối với những dự án, đồ án quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan… Một nhiệm vụ quan trọng khác là Hội QHPTĐT sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, tọa đàm về các chủ đề liên quan; cung cấp thông tin cho hội viên về tình hình lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; nâng cao năng lực tư vấn cho hội viên đối với lĩnh vực QHPTĐT. Hội đồng thời tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo và các tổ chức xã hội khác trong các chương trình, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia góp ý, xây dựng văn bản pháp luật; tư vấn đầu tư, đào tạo… thuộc lĩnh vực QHPTĐT và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Để Hội QHPTĐT tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội, Hội cũng đặc biệt quan tâm đến tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác chuyên môn, học tập kinh nghiệm với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan