A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phú Lương phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực

Làng nghề chè truyền thống xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô có 60 hộ làm chè. Với năng suất chè búp tươi đạt 120tạ/ha, thu nhập bình quân đầu người của các hộ sản xuất chè đạt 30 triệu đồng/năm. Phú Lương là địa phương có diện tích chè lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh, với hơn 4.100ha. Những năm qua, xác định chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, huyện Phú Lương đã có nhiều chương trình, chính sách để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè. Đến nay, thương hiệu chè Phú Lương đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực trong sản xuất và chế biến chè, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện, UBND huyện Phú Lương đã từng bước thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè trọng điểm nằm ở phía Đông của huyện, bao gồm 4 xã: Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc. Bên cạnh quy hoạch vùng chè tập trung, cuối năm 2015, huyện cũng xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Phú Lương giai đoạn 2016-2020”, trong đó xác định cây chè là cây trồng chủ lực, được ưu tiên đầu tư tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến chè tại HTX chè Khe Cốc, xã Tức Tranh.

Thực hiện Đề án, hằng năm, Huyện luôn chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ về giống và quy trình sản xuất chế biến chè an toàn để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Theo đó, để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế giống chè trung du già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chè lai có năng suất cao, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, Huyện cũng ban hành chính sách hỗ trợ 200 đồng/cây chè giống cho người dân. Nhờ vậy, đến nay, diện trồng chè mới và thay thế đạt trên 2,6 nghìn ha (đạt 65% tổng diện tích). Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để ưu tiên hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn, gồm: 5 máy sao chè bằng ga, 319 bộ tôn sao chè bằng inox, 300 bộ máy vò chè bằng inox, hỗ trợ vật tư cho 107 hệ thống tưới tiết kiệm quy mô từ 0,3-0,5 ha/điểm… Qua đó đã góp phần từng bước cơ giới hoá, tự động hoá các trang thiết bị sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất, đáp ứng nhu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè. 

Một trong những biện pháp trọng tâm mà huyện rất chú trọng thực hiện để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường đó chính là tuyên truyền người dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới sản xuất chè hữu cơ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các khu chế biến khép kín. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ 2.023 tấn phân vi sinh cho các xóm sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức được trên 100 lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn. Đến nay, diện tích chè VietGAP đã được chứng nhận ước đạt 276,5ha. Ngoài ra, huyện cũng đang xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ với diện tích 15ha tại xã Tức Tranh.

Bên cạnh các chính sách nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, huyện cũng chú trọng việc quảng bá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chè của các làng nghề, HTX, cơ sở sản xuất. Hiện nay, huyện Phú Lương có tới 40 làng nghề chè, 13 tổ hợp tác sản xuất chè, 4 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè. Hằng năm, huyện luôn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động quảng bá và tiếp cận thị trường đối với sản phẩm chè bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức Lễ hội vinh danh các làng nghề chè năm 2017; Ngày hội văn hoá làng nghề năm 2018; quảng bá sản phẩm và qua các chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ cấp mã vạch, mã QR code; tem dán nhãn chuỗi thực phẩm an toàn... 

Nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất chè Hoan Xuyến (xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh).

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của người dân, năng suất, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Hiện nay, sản lượng chè búp tươi hằng năm đều đạt trên 43 nghìn tấn, năng suất chè búp tươi đạt 112 tạ/ha/ năm, giá trị kinh tế/ha chè đạt 250-300 triệu đồng/năm (tăng 100 triệu đồng/ha so với năm 2015), giá chè búp khô đạt từ 150 nghìn đồng đến vài triệu đồng/kg (tuỳ từng sản phẩm). Bên cạnh sản phẩm trà truyền thống, trên địa bàn huyện đã có một số HTX, tổ hợp tác mạnh dạn tiếp cận các công nghệ chế biến hiện đại để sản xuất ra đa dạng các sản phẩm từ cây chè. Anh Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HTX chè Khe Cốc, xã Tức Tranh cho biết: Hiện nay, bên cạnh sản phẩm trà, chúng tôi đã đầu tư sản xuất thêm sản phẩm bột trà xanh, kẹo chè, chè túi lọc... đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Thị trường đầu ra của sản phẩm chè ngày càng được mở rộng ở thị trường trong và ngoài nước. Năm 2019, sản phẩm chè túi lọc, chè móc câu ướp hương sen của HTX đã được tiêu thụ ở các nước châu Âu như Ba Lan, Pháp với sản lượng trên 600kg và có giá bán dao động từ 6-7 triệu đồng/kg.

Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè Phú Lương, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới là tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, đặc biệt chú trọng hoạt động xây dựng thương hiệu tập thể chè Phú Lương, xúc tiến thương mại để quảng bá tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư sản xuất chế biến chè an toàn chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mọi lĩnh vực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết