A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những thế hệ trồng hoa ở làng hoa

Từ những người ông đi trước mở đường cho đến những người cháu sinh ra trên đất Đà Lạt, đã có nhiều thế hệ sinh sống nơi đây, họ vẫn nối tiếp truyền thống trồng rau, hoa để làng hoa Thái Phiên có diện mạo như hôm nay.

 
 

Ông Nguyễn Đình Lộc đang thu hoạch hoa cúc trong vườn nhà mình. Ảnh: V.Trọng

Ông Nguyễn Đình Lộc đang thu hoạch hoa cúc trong vườn nhà mình. Ảnh: V.Trọng
 
 
 
Đưa tay giới thiệu với chúng tôi tấm hình đình làng Phước Yên ở Huế treo trang trọng trên tường trong phòng khách nhà trước, ông Hoàng Văn Như, 76 tuổi, người làng hoa Thái Phiên, Phường 12, Đà Lạt kể tỷ mỷ với tôi về quá trình xây dựng ngôi đình qua các thời kỳ lịch sử, về lối kiến trúc của đình lẫn ý nghĩa của từng vật thể xây dựng nơi đây. Có cảm giác rằng quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn vẫn đâu đó tràn ngập trong lòng dù ông đã ở đây, ở Đà Lạt này, trên 50 năm rồi và luôn coi mình là một người Đà Lạt.
 
Đó là năm 1965 khi ông 21 tuổi, vừa lập gia đình và mang vợ từ Huế vào Đà Lạt để trốn quân dịch. Tại Đà Lạt, vợ chồng ông ban đầu tá túc ở nhà một người thân trong làng đã vào đây trước, rồi sau đó đi thuê nhà, chính xác là thuê phòng trọ để ở, ngày ngày vợ chồng đi làm thuê cho một nhà vườn nơi đây.
 
Công việc của vợ chồng ông hằng ngày là đi làm vườn, vườn rau. Ở vùng đất Thái Phiên này ngày đó ông bảo thưa thớt dân cư lắm, chừng 300 mái nhà, những ngôi nhà nơi đây “rất Đà Lạt”, nghĩa là nhà trệt, xây “đờ mi” với một nửa gạch xây phía dưới, trên làm bằng ván thông, mái lợp tôn, nền láng xi măng, nhưng nhiều nhà vách chỉ toàn làm ván thông. Bên ngoài nhà làm theo phong cách Đà Lạt nhưng bố trí phòng bên trong lại theo kiểu Huế với phòng thờ ở giữa nhà chính. “Làng này gọi là làng Huế ở Đà Lạt mà, vì người ở đây chủ yếu là người Huế vào” - ông Như cười. 
 
Làm vườn ngày đó ông kể toàn làm bằng tay là chủ yếu, từ nỉa đất, đánh đất, mọi thứ, đâu có nhiều máy móc như bây giờ. Khổ nhất là tưới nước, người làm vườn phải gánh từng thùng nước từ suối, hồ lên để tưới, nhiều lúc đường trơn trượt; hàng hóa thu xong hàng phải gánh ra đường mới có xe ngựa chở đi chợ. Cũng có những nhà giàu trong làng sắm nhiều máy móc, máy cày tay, máy bơm nước nhưng không nhiều, nên ngày đó như ông Như cho biết, nhà vườn nhiều người không thể canh tác những diện tích rộng như ngày hôm nay, mỗi nhà làm chừng vài ba sào đất, nhiều lắm cũng chỉ chừng hecta là nhiều. Như gia đình ông chẳng hạn, sau vài năm làm thuê vợ chồng ông thuê được khoảng 3 sào đất, trồng rau, trong suốt nhiều năm cũng chỉ làm chừng đó.
 
Riêng với hoa thì nơi đây ngày đó như ông Như cho biết nhiều nhà có trồng, thông thường nhà vườn dành một khoảnh đất nhỏ trong vườn mình để trồng, chủ yếu là vào dịp tết. Hoa ngày đó cũng không có nhiều giống như bây giờ, chủ yếu là lay ơn, hoa cúc nhỏ, sau này có cúc Nhật gieo hạt. “Đâu như bây giờ chỗ nào nơi đây cũng hoa và hoa” - ông cười.
 
Cùng từ làng Phước Yên - Quảng Điền của Huế vào Thái Phiên - Đà Lạt năm 1977, sau ông Như 12 năm, ông Nguyễn Đình Lộc, 67 tuổi nhớ lại, làng này thời điểm ông vào vẫn chỉ trồng rau. 
 
Khi mới vào đây vợ chồng ông Lộc cũng làm thuê làm mướn cho các nhà vườn. Tích cóp dần sau đó nhiều năm, vợ chồng ông mua được khoảnh đất vừa phải để làm nhà, một căn nhà gỗ nhỏ, rồi vợ chồng mua được 3 sào đất để tự mình canh tác cho mình, trồng sú, cải thảo. Phải chừng đến sau năm 2000 khi mọi người nơi đây thay thế cây rau bằng cây hoa vì hoa giá trị hơn nhiều ông mới chuyển hoàn toàn từ rau sang hoa.
 
 
 
Là thế hệ đi trước, lớn tuổi, ông Như nhiều năm nay đã giao phó chuyện làm vườn cho con trai mình, toàn bộ gần 1 ha đất nhà được anh con trai trồng hoa cúc. Và không chỉ anh con trai này, hầu hết con cái trong gia đình ông Như đều là nhà vườn trồng hoa ở làng, cháu nội ông giờ cũng đang theo nghiệp trồng hoa. 
 
Riêng với ông Lộc, toàn bộ 6 sào đất của ông đều được làm nhà kính trồng hoa cúc. Trong vườn của mình, ông Lộc canh tác hoa cúc quanh năm, trồng luân phiên để lúc nào đến rằm hoặc mồng một hằng tháng đều có hoa bán, ông tự nhân giống để trồng trong vườn. Khi chúng tôi đến, ông đang cùng vợ và 2 đứa con, một trai, một gái đang thu hoạch hoa. Cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin trong lúc chờ tìm việc ngày ngày đến làm vườn với cha mẹ, còn cô con gái đang học đại học công nghệ sinh học của Đại học Đà Lạt. Riêng 2 cô con gái lớn của ông Lộc, cũng từng tốt nghiệp đại học nhưng nay lập gia đình và một cô đang theo nghiệp trồng hoa của nhà, canh tác một vườn lan rất lớn tại Phường 7. 
 
Một trong những người trồng hoa vào hàng xuất sắc hiện nay ở làng hoa Thái Phiên mà chúng tôi có dịp đến thăm trong những ngày này chính là hộ ông Nguyễn Phúc, 50 tuổi, người xóm Đình. 
 
Ông Phúc chính là thế hệ thứ hai của người Huế tại Đà Lạt, cha ông vào Đà Lạt năm 1955 và sinh sống ở Thái Phiên, ông là người sinh ở làng này, từng trồng rau, trồng Atisô cùng cha mình trong suốt bao nhiêu năm, chỉ mới chuyển sang trồng hoa trong khoảng 15 năm nay trong đó có 12 năm trồng hoa ly.
 
Vườn hoa của ông Phúc rộng tổng cộng 1,2 ha, nằm ở 2 khu vực khác nhau, mỗi vườn 6 sào, tất cả đều trồng hoa ly. Vườn ông là một nhà kính bình thường như mọi nhà kính nơi đây, nhưng được gắn thêm hệ thống che nắng quay tay để giảm nhiệt độ và ánh sáng cho hoa, có hệ thống tưới nước tự động khi cần. 
 
Ông Phúc nổi tiếng ở làng hoa Thái Phiên vì là người chuyên canh hoa ly quanh năm. 
 
Để canh tác hoa ly, theo ông Phúc không chỉ vốn rất lớn mà còn cần có kinh nghiệm, biết áp dụng kỹ thuật, công nghệ trong xử lý đất, xử lý bệnh, xử lý những bất lợi thời tiết ra sao để hoa phát triển được, đặc biệt là cho ly mùa tết. 
 
Ông Phúc không cho chúng tôi biết ông thu nhập ra sao từ vườn ly 1,2 ha này, vì đó là “bí mật kinh doanh” - ông cười. Nhưng chỉ một con số thôi cũng làm chúng tôi giật mình: ông cho biết mỗi năm ông bỏ ra chừng… 10 tỷ đồng để mua củ giống cho vườn mình. 
 
 
 
Thái Phiên hôm nay chính là làng hoa lớn nhất trong các làng hoa tại Đà Lạt và cũng có thể nói đây là làng chuyên canh hoa lớn nhất Việt Nam hiện nay.
 
Một thống kê của Phường 12 cho biết, trên 1.200 hộ dân sinh sống nơi đây hầu hết đều tham gia sản xuất nông nghiệp, chủ yếu canh tác hoa trong nhà kính. Trong tổng diện tích khoảng 430 ha đất canh tác của làng, đã có trên 360 ha diện tích là nhà kính. Đây chính là địa phương tiêu biểu nhất Đà Lạt về mức độ áp dụng rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến của nông nghiệp công nghệ cao trong chuyên canh hoa để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước quanh năm.
 
Cũng nói thêm rằng, những năm gần đây, người dân Thái Phiên đã đi nhiều nơi trong thành phố Đà Lạt để thuê đất hoặc mua đất để trồng hoa, đặc biệt là trong vùng Đạ Sar, Đa Nhim của huyện Lạc Dương kế cận.
 
Nhờ trồng hoa, làng hoa Thái Phiên hôm nay không còn là một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà gỗ mái tôn như xưa nữa, tất cả đã đi vào hoài niệm, hiện nay đó là một phường trù phú của Đà Lạt với đường sá trải nhựa khang trang, những ngôi nhà xây bề thế, những biệt thự đẹp đẽ.
 
Như ông Trần Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, Đà Lạt bảo vui với chúng tôi, rằng trồng hoa nơi đây chỉ cần trúng mùa, trúng giá là... giàu. Một con số ông đưa ra khá ấn tượng: trên 60% cộng đồng dân cư nơi đây nhờ trồng hoa đã vươn lên thành khá và giàu.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết