A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý kiến, kiến nghị của cử tri

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra trong 3 ngày, từ ngày hôm nay (9-12) đến 11-12. Theo đó, các cử tri trong tỉnh đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới Kỳ họp. Phóng viên Báo Thái Nguyên ghi lại một số ý kiến tâm huyết.

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết kiến nghị 

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên: Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thời gian qua, nhiều sở, ngành của tỉnh đã quan tâm tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) để kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của DN. Theo đó, đã có nhiều nội dung ngay tại hội nghị đối thoại hoặc sau đó đã được giải quyết và thái độ làm việc của cán bộ, công chức nhiều sở, ngành với DN đã tốt hơn, giảm đáng kể phát sinh, vướng mắc. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của DN thì vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều kiến nghị chính đáng của DN còn chậm được giải quyết. Tôi mong rằng, UBND tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến nội dung này; có đánh giá sau một năm ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với nội dung giải quyết của các sở, ngành, địa phương; đối với các sở, ngành cũng nên nghiên cứu đưa ra nhiều hình thức, như: Đối thoại toàn thể, đối thoại với Ban Chấp hành hoặc Thường trực các Hội, Hiệp hội DN, thậm chí là với chính DN có vướng mắc để mang lại hiệu quả thiết thực cho DN… 

Lúng túng trong tìm hướng phát triển kinh tế 

Bà Diệp Thị Chinh, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ): Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhà tôi có hơn 20 con lợn nái và 100 con lợn thịt đều bị tiêu hủy. Để tuyển chọn được 1 con lợn nái giống tốt rất khó, phải gây nuôi mất mấy năm. Bao năm gây đàn, chăm chút, tích cóp để đầu tư chăn nuôi, giờ gặp sự cố này, nhà tôi mất hết vốn liếng. Sau khi dịch bệnh xảy ra, tôi đã vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên rắc vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của chúng tôi hiện nay là chưa tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Vì từ trước tới giờ, gia đình tôi chủ yếu nuôi lợn, cấy lúa. Sau khi dịch bệnh xảy ra, đến nay, nhà tôi vẫn chưa nhận được hỗ trợ của Nhà nước để trả nợ tiền cám. Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp nên chúng tôi cũng chưa dám tái đàn. Tôi mong các ngành chức năng có các biện pháp phòng, chữa bệnh để chúng tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường THPT Tức Tranh

Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh (Phú Lương): Khi các cấp, ngành chức năng có quyết định thành lập Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương) vào năm 2011, bà con nhân dân trong xã rất vui mừng. Bởi lẽ, nếu ngôi trường này được xây dựng thì con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn sẽ không phải tốn nhiều chi phí đi lại, ăn ở. Bên cạnh đó, những học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn sẽ không phải đi học xa tại những trường THPT ở Thị trấn Đu, Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên… Không chỉ riêng đối với xã Tức Tranh, đường đến trường của học sinh các xã, thị trấn như: Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc, Giang Tiên cũng thuận tiện hơn nhiều. Vì thế, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã rất mong muốn các cấp, ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường THPT Tức Tranh. Về phía chính quyền xã, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong vấn đề giải phóng mặt bằng để công trình sớm hoàn thành. 

Xây dựng quy chế phối hợp cụ thể

Bà Trần Thị Dịu, cán bộ địa chính phường Bãi Bông, (T.X Phổ Yên): Kể từ khi thành lập chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 28/2016 về quy chế phối hợp giữa văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thái Nguyên với các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng đăng ký đất đai. Mặc dù đã có quy định chung của tỉnh, nhưng tại T.X Phổ Yên vẫn chưa có quy chế phối hợp rõ ràng, cụ thể giữa cán bộ địa chính xã, phường với chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai T.X Phổ Yên. Cụ thể như quy định cán bộ địa chính xã, phường được tiếp nhận những hồ sơ thuộc bộ thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai nào; trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm giải quyết đến đâu, quy trình cập nhật những thay đổi về TTHC nào như thế… Chính vì thiếu quy chế phối hợp cụ thể, thời gian qua, cán bộ địa chính cấp xã không thể hướng dẫn công dân thực hiện các TTHC đất đai ngoài thẩm quyền hoặc hướng dẫn nhưng chưa đầy đủ, gây ra bức xúc cho người dân. Tôi mong rằng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, sớm xây dựng và ban hành quy chế phối hợp cụ thể, nhằm tạo thuận lợi cho cán bộ địa chính cấp xã cũng như người dân trong thực hiện, giải quyết các TTHC. 

Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân

Bà Lê Thị Cậy, tổ trưởng tổ dân phố 39, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên): Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền của tỉnh, T.P Thái Nguyên đã tiến hành tổ chức một số cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân. Tôi thấy việc làm này hết sức có ý nghĩa. Tại các buổi tiếp xúc, đối thoại, nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân đã được người đứng đầu chính quyền chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết thấu đáo trong thời gian sớm, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời giải quyết những điểm “nóng” phát sinh tại cơ sở. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, người dân cũng nắm bắt được nhiều thông tin để tham gia đóng góp ý kiến cùng cấp ủy, chính quyền tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tôi mong rằng  trong thời gian tới, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết