A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng thanh toán mã QR của MB Bank xâm nhập thị trường Nhật Bản

Dịch vụ thanh toán không tiếp xúc bằng mã QR của Việt Nam hiện diện tại Nhật Bản, cho phép du khách đến nước này sử dụng điện thoại để mua hàng giống như đang ở Việt Nam. Các nhà bán lẻ hy vọng sẽ tăng doanh số bán hàng từ khách du lịch với việc áp dụng mã QR.

-9290-1678167831.png

Hệ thống thanh toán bằng mã QR phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, nơi hầu hết mọi người đều có điện thoại nhưng lại không mở tài khoản ngân hàng. © Reuters

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) hợp tác với Công ty khởi nghiệp thanh toán Nhật Bản Netstars để triển khai thanh toán bằng hệ thống mã QR của ngân hàng tại Tokyo Dome City, một cơ sở thể thao, giải trí và mua sắm lớn ở Nhật Bản.

Theo thông báo ngày 6/3, dịch vụ này sẽ có mặt tại khoảng 110 nhà hàng và cửa hàng quần áo ở Nhật Bản bắt đầu từ tháng 4, sẽ cho phép khách du lịch từ Việt Nam thanh toán trong vòng vài giây bằng cách quét mã QR của MB Bank tại các máy ATM và thiết bị đầu cuối của Netstars.

Các nhà bán lẻ không phải trả tiền để cài đặt tính năng thanh toán, nhưng họ sẽ trả hoa hồng khi sử dụng. Các cửa hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đang hy vọng thu hút sự quay trở lại của khách du lịch bằng cách áp dụng các phương thức thanh toán ở nước ngoài.

Thị trường thanh toán bằng mã QR toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên 35 tỷ USD vào năm 2030, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2020, theo Allied Market Research có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ở những quốc gia như Việt Nam, nơi nhiều người có điện thoại di động nhưng không có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thâm nhập của thanh toán bằng mã QR cao hơn so với thẻ tín dụng.

Hợp tác của Netstars và MB Bank diễn ra sau động thái tương tự của các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc của các công ty châu Á khác được triển khai tại Nhật Bản. JKOPAY, công ty lớn nhất của Đài Loan, đã gia nhập thị trường Nhật Bản vào năm 2019, tiếp theo là PromptPay của Thái Lan vào năm 2022.

Thanh toán xuyên biên giới ở châu Á từ lâu đã bị chi phối bởi các dịch vụ của Trung Quốc là Alipay và WeChat Pay.

Công ty mẹ của Alipay, Ant Group, đã thiết lập một mạng lưới liên minh với các công ty thanh toán lớn như GCash của Philippines và DANA của Indonesia, đồng thời mua lại công ty khởi nghiệp fintech 2C2P của Singapore vào năm 2022. Số lượng cửa hàng liên kết với mạng thanh toán xuyên biên giới của Ant Group hiện vượt quá 2,5 triệu .

Một số nước Đông Nam Á đang có những động thái đáp trả. Vào tháng 11, các ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính của 5 quốc gia - Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore - đã ký một biên bản ghi nhớ để thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới trong khu vực. Hệ thống mã QR của 5 nước dự kiến ​​sẽ được liên thông.

Do tham gia muộn vào thanh toán QR xuyên biên giới, Nhật Bản năm ngoái đã bắt đầu đàm phán với một số nước châu Á để cho phép sử dụng thanh toán bằng mã QR.

Nhật Bản bắt đầu đàm phán với Indonesia và có kế hoạch mở rộng sang các nước châu Á khác như Singapore. Theo kế hoạch, khách du lịch Nhật Bản sẽ có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán bằng mã QR như PayPay và Merpay tại các quầy hàng thực phẩm ở nước ngoài và những nơi khác.

Thành An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết