A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

TTTĐ - Sáng 26/9, Báo Lao động Thủ đô tổ chức tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”.

Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm giúp độc giả hiểu thêm về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử, nhìn lại chặng đường đã đi qua và hướng tới tương lai.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh, cuộc tọa đàm nhằm cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng Giải phóng Thủ đô 10/10; khắc họa lại bức tranh về những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở Thủ đô Hà Nội với việc ra đời hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện, trường học... Đây chính là tiền đề làm hậu phương vững chắc cho chặng đường đấu tranh thống nhất đất nước.

Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

Nhà báo Nguyễn Văn Bình, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc tọa đàm

Sự thành công trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Thủ đô có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn. Các phong trào thi đua thời kỳ này thực sự tạo sức lan tỏa để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; đưa nhiều hàng hóa ra tiền tuyến phục vụ cuộc kháng chiến đi tới thành công.

Tự hào về những thành quả đã đạt được của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn giai đoạn 1955 - 1975 và những thập kỷ sau đó, trong giai đoạn hiện nay, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để thực hiện khát vọng đất nước hùng cường, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Đại hội 17 Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra.

Tham dự tọa đàm là các vị khách từng có những năm tháng công tác tại các nhà máy, trường học khi thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ở Thủ đô và đấu tranh thống nhất nước nhà; từng làm cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Nội vụ, Công đoàn; đại diện nhà văn, nhà báo có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội và những cán bộ công đoàn, công nhân đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp để cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng, cũng như gợi mở các ý kiến đóng góp để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn phát triển, có đóng góp xứng đáng vào mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn minh - Văn hiến - Hiện đại.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những dấu mốc son lịch sử về Ngày Giải phóng Thủ đô, quá khứ đầy tự hào, những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội góp phần vào thắng lợi vẻ vang trong công cuộc Giải phóng Thủ đô.

Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm, ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, khi đó, ông đang là thiếu niên, những ký ức về hào khí tháng mười năm ấy vẫn in đậm trong tâm trí ông.

“Thời điểm năm 1954 khi Thủ đô giải phóng, tôi mới 13 tuổi và nhà ở Thanh Trì nhưng trong ký ức vẫn đậm nét kỷ niệm không thể nào quên về không khí hào hùng ngày 10/10/1954. Tôi còn nhớ, để chuẩn bị cuộc mít tinh chào mừng, trước ngày 10/10/1954, nhiều tuần lễ, tôi được các anh, chị dân quân tự vệ trong làng lựa chọn vào đội cổ động tuyên truyền. Tôi thấy vinh dự lắm.

Tôi và các bạn được chọn đêm đêm đều tập trung ra ngoài sân đình để tập đội ngũ. Chúng tôi tập quay trái, tập quay phải, tập hát, tập múa… Ai nấy đều rất hào hứng. Hơn hết, đêm đêm ở trong vùng đều vang lên bài ca cách mạng. Không khí cách mạng sục sôi.

Đến tối ngày 9/10/1954, vào khoảng 9h tối, chúng tôi được tập trung. Khi ấy, mỗi người chúng tôi được trao cho nắm cơm và muối vừng. Nắm cơm ấy được gói trong lá chuối khô để lo cho ngày đón bộ đội. Nắm cơm ấy chúng tôi dành cho những anh hùng, những chú bộ đội chưa kịp dùng bữa khi tiến vào Thủ đô.

Đêm ấy dù không đèn đuốc, từ làng lên phố đường xá vẫn quanh co, đi bộ cả đêm nhưng không ai kêu than mệt mỏi. Ai ai cũng háo hức đón đoàn quân giải phóng. Sáng hôm sau chúng tôi nhập vào đoàn người đón quân giải phóng.

Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ tại buổi Toạ đàm.

Giờ đây, mỗi khi nhìn lại những bức ảnh, xem lại những thước phim về ngày 10/10/1954, ký ức trong tôi lại tràn về. Tôi tự hào và tin trong đoàn người đón đoàn quân giải phóng ghi lại ở những thước phim trân quý ấy thì ở đó có tôi - một cháu thiếu niên đón đoàn quân giải phóng trùng trùng về Thủ đô", ông An Đức Độ chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ. Từ góc nhìn của một nhà quản lý, một cán bộ công đoàn, ông nhìn nhận, tổ chức Công đoàn, lực lượng công nhân lao động đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, hành chính chính trị quốc gia; là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế. Hà Nội cũng được vinh danh là Thủ đô vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Có thể nói, Hà Nội kết tinh, hội tụ truyền thống phong cách của dân tộc chúng ta.

Hiện nay, toàn thành phố có trên 270 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, du lịch, dịch vụ; 10 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên 70 cụm công nghiệp, 2,7 triệu công nhân, người lao động là lực lượng to lớn đang hăng say làm việc tạo ra nhiều giá trị của cải vật chất, tạo nên nền kinh tế của Thủ đô hết sức đặc sắc với cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ chiếm 88%. Kinh tế Hà Nội đóng góp trên 18% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa, 8,6% tỉ suất xuất nhập khẩu.

Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

Các khách mời tham gia buổi toạ đàm

Trong những thành quả ấy, lực lượng công nhân và tổ chức Công đoàn có đóng góp rất quan trọng. Hà Nội là địa phương có nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Lực lượng công nhân, người lao động Hà Nội đã đóng góp một phong cách làm việc theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp.

Tổ chức Công đoàn, công nhân, người lao động Thủ đô đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ tạo sự ổn định chính trị, an ninh trật tự cho Hà Nội. Mặc dù Hà Nội là địa phương phát triển nhiều ngành công nghiệp, tập trung đông doanh nghiệp và người lao động nhưng việc đình công ngừng việc tập thể rất ít.

Công đoàn cũng đã làm tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động như: Đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng Mái ấm Công đoàn, tổ chức hoạt động Quỹ trợ vốn cho đoàn viên vay vốn… Qua đó, vai trò của tổ chức Công đoàn ngày càng được khẳng định, vị thế ngày càng được nâng cao.

Hiện Công đoàn Thủ đô có gần 10 ngàn Công đoàn cơ sở các loại hình, trên 710 ngàn đoàn viên Công đoàn. Tổ chức Công đoàn Thủ đô đã được trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng Nhất…

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan