A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh tập huấn tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu cho doanh nghiệp

Hơn 200 doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm, đồ uống đã được tập huấn các kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng.

Hơn 200 doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm, đồ uống đã được tập huấn các kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng.
Ngày 6/10/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch và Công ty Eurofins Sắc ký Hải Đăng đã phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn "Tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu và các thị trường tiềm năng’’.
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP. Hồ Chí Minh, chiếm 13,78% giá trị sản xuất và đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Tính riêng trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành lương thực, thực phẩm của thành phố ước tăng 26,9%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.
Các đại biểu tham gia hội thảo tập huấn. (Ảnh: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/)
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách ITPC chia sẻ, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật các thay đổi về tiêu chuẩn xuất khẩu, xu hướng tiêu dùng thực phẩm trong tương lai để từ đó định hướng chiến lược đầu tư, thay đổi quy trình sản xuất, nghiên cứu đổi mới sản phẩm và nguồn nguyên liệu phù hợp để đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu hàng hóa.
Theo ông Tô Tuấn Huy, Đánh giá viên trưởng, Eurofins Assurance, việc hiểu rõ các khái niệm và quy định trong đánh giá các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP, ISO 9001, FSSC 22000, BRCGS food safety phiên bản 9) là việc hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có các biện pháp phòng vệ thương mại để tránh các rủi ro trong gian lận thương mại.
Đặc biệt, để tránh xảy ra các vấn đề liên quan đến pháp lý đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm, các diễn giả đã tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp nội dung về các khung quy định luật thực phẩm tại các thị trường trọng điểm như: EU, USA, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc phân tích đánh giá các dư lượng hoạt chất có trong nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm cũng đã nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với nhiều câu hỏi và giải đáp từ các diễn giả, hội thảo tập huấn "Tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu và các thị trường tiềm năng’’ đã giúp đại diện các doanh nghiệp cập nhật thông tin mới nhất về những yêu cầu đối với an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng…
Bích Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan