A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm cách khơi thông thị trường khi tổng cầu suy giảm

Tăng trưởng thương mại toàn cầu mất đà vào cuối năm 2022 và tiếp tục dự báo suy giảm vào năm 2023. Điều đó đồng nghĩa là thách thức phía trước của doanh nghiệp rất lớn, trước mắt là tìm kiếm đơn hàng. Tuy vậy, trong thách thức vẫn có những cơ hội đan xen, việc linh loạt tìm giải pháp và thích ứng sẽ là con đường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Những ngày cuối năm 2022, các doanh nghiệp thủy sản vui mừng đón nhận tin xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD. Chia sẻ sau buổi lễ mừng tin vui này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, con số 10 tỷ USD là dấu mốc quan trọng mà ngành thủy sản đã đạt được. Bên cạnh con số, các doanh nghiệp khi tham dự buổi lễ đã có rất nhiều trao đổi về tương lai của ngành, của chính doanh nghiệp mình trong năm 2023, trong đó lo ngại đầu tiên là khó khăn về thị trường.

Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp lo âu

“Thị trường tiêu dùng bị co hẹp do lạm phát tăng mạnh ở nhiều thị trường, đơn hàng sụt giảm lên tới 40%”, ông Nam cho biết. Điều này tác động tới việc làm của doanh nghiệp, sức ép chi phí lao động, nhất là các khoản đóng theo lương như kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội…

-8119-1675416952.jpg

Tìm cách giải bài toán thị trường cho các doanh nghiệp ngay trong đầu năm mới. 

Cùng với đó, đại diện VASEP nêu ra những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, ổn định tỷ giá trong năm 2023…

Dẫn câu chuyện của ngành thủy sản để thấy rằng việc giải bài toán thị trường đang rất cấp bách với các doanh nghiệp hiện nay. Nhìn nhận thách thức này, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống còn 2,9% năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự báo suy giảm trong năm 2023, từ tăng trưởng 2,7% năm 2022 xuống dự báo còn tăng 1,2% năm 2023.

Cùng với đó là những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao; lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ông Chinh nhấn mạnh sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hoá Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu và phát triển thị trường nước ngoài trong bối cảnh năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, Cục Xuất nhập khẩu cho biết sẽ nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh; tham mưu, điều hành theo sát biến động của kinh tế quốc tế, giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới để hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có sự chủ động khai thác cơ hội, ứng phó kịp thời các khó khăn, thách thức.

Giải pháp gì để hóa giải thách thức?

Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu sẽ đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước trong Hiệp định CPTPP; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với thị trường Trung Quốc khi quốc gia này đã mở cửa trở lại.

Đặc biệt, phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức thường xuyên hội nghị giao ban giữa các cơ quan Thương vụ với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và vượt qua các rào cản kỹ thuật để thâm nhập các thị trường mới…

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, công tác xúc tiến thương mại được triển khai ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.

"Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc để tận dụng các cơ hội xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này", ông Phú cho biết. 

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá nền kinh tế đang gặp khó khăn cả về tổng cung và tổng cầu. Sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

Đặc biệt, Việt Nam tận dụng hiêu quả các FTA đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Đối với thị trường trong nước, Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.

Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 394 tỷ USD 

Xuất khẩu tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so với năm 2022, là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Nhật Linh 

.


Tác giả: Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 394 tỷ USD 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết