Tiếp tục hướng về người nghèo
Sau hơn hai năm tập trung nguồn lực, công sức phòng, chống đại dịch COVID-19, hiện nay, cả hệ thống chính trị, các địa phương trong cả nước tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hướng về người nghèo.
Trao quà tặng người nghèo ở Bình Thuận. (Ảnh THANH THỦY)
Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có Công điện nêu rõ: Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác phục vụ hiệu quả cho công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên tinh thần phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc tổ chức thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Thực hiện tinh thần đó, thời gian qua, nhiều hoạt động hướng về người nghèo liên tục được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước. Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tại Tuyên Quang, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự thảo Ðề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Ðề án do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, nhất là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân hơn 3%/năm, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên. Tỉnh phấn đấu giảm một phần hai số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên; đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng người có công với cách mạng. Tham gia ý kiến phản biện, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn các căn cứ cụ thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo; việc thực hiện giải pháp về hỗ trợ người dân, hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...
Cơ quan soạn thảo rà soát, căn cứ vào tình hình thực tiễn để cân đối phân bổ nguồn lực hợp lý, đồng thời tham mưu cho tỉnh có cơ chế phù hợp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Ðối với các giải pháp cụ thể, cần có cơ chế đối với các đối tượng người có công, các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số. Trong Ðề án cần căn cứ vào những nguyên nhân nghèo để xác định các giải pháp cụ thể, phù hợp và có tính khả thi cao, từ đó rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bình Thuận vừa triển khai kế hoạch vận động, sử dụng Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh năm 2022. Theo đó, chỉ tiêu toàn tỉnh Bình Thuận phấn đấu đạt 9,5 tỷ đồng. Trong đó, quỹ cấp tỉnh phấn đấu vận động 2,2 tỷ đồng, bao gồm nguồn vận động tập trung thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo Tết người nghèo. Ðể vận động Quỹ Vì người nghèo năm 2022 đạt hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn MTTQ các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên và các ngành liên quan tổ chức các hình thức vận động rộng rãi trong nhân dân nhằm đạt kết quả cao nhất. Căn cứ kết quả vận động Quỹ Vì người nghèo và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, giúp đỡ hộ nghèo sản xuất gắn đánh giá thi đua năm 2022...
Tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà đợt 2/2022. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, tổng số hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh được phê duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở là 3.240 hộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 1.972 hộ có nhu cầu cấp thiết về nhà ở với tổng kinh phí thực hiện 98,6 tỷ đồng. Do đó, trong đợt hai này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ có nhu cầu cấp thiết.
Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chức sắc tôn giáo và nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, với phương châm: “Người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”, tích cực hưởng ứng đóng góp, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo các cấp. Tại lễ phát động, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ cho tỉnh Sóc Trăng hơn 33,7 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nhà ở cho hộ nghèo...
Quan tâm, hỗ trợ người nghèo luôn là truyền thống quý báu của dân tộc ta và càng được phát huy, tô thắm trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều thách thức. Cùng với những chủ trương, quyết sách phù hợp, sự vào cuộc tận tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân sẽ tạo ra nguồn lực to lớn để thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Theo nhandan.vn