A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường quản lý thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT.

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử

Chia sẻ tại Hội thảo "Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 17/6, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn uống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Do đó, an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội.

Thương mại điện tử cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang là phương thức kinh doanh phổ biến làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Người dân có thể dễ dàng mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẵn sàng tiêu thụ trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận cửa.

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên TMĐT thông qua các website TMĐT bán hàng, ứng dụng sàn giao dịch TMĐT trên các thiết bị di động” - bà Lê Thị Hà nói.

Theo ghi nhận tại hệ thống, trong tổng số 50.334 website TMĐT bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).

Bên cạnh loại hình website TMĐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT. Trong thời gian qua, nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động.

Chẳng hạn, năm 2023, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, địa phương, cơ quan, tổ chức và các chuyên gia thực hiện dự án xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023. Ngày 16/5/2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Theo đó, Luật và văn bản hướng dẫn đã xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định này nhằm kịp thời giải quyết vấn đề không phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trên không gian mạng, hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch.

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Toàn cảnh Hội thảo

Cục TMĐT và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức khoa học kỹ thuật và pháp luật về an toàn thực phẩm, liên tục nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng. Trong thời gian qua, Cục TMĐT và Kinh tế số liên tục đăng tải nhiều khuyến cáo đến người tiêu dùng khi nhận được những thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nêu giải pháp quản lý an toàn thực phẩm trong TMĐT thời gian tới, bà Lê Thị Hà ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472/BYT-ATTP ngày 24/6/2024 đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu về TMĐT tại hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan như thuế, công an thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Cơ quan Công an, Cục An toàn thực phẩm... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.

Đồng thời, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử: Đào tạo cho các các bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý nhà nước để hiểu về các quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó hoàn thiện năng lực thực thi trong công tác chuyên ngành liên quan.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật: Tăng cường công tác cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng, tận dụng các nền tảng mạng xã hội mới, các hình thức truyền tải thông tin mới như livestream, AI, sử dụng người có ảnh hưởng KOL để lan truyền thông điệp về an toàn thực phẩm….

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quan điểm của quản lý thị trường là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - ông Thân Đức Công nhấn mạnh.

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường trình bày tham luận tại Hội thảo

Nhận định buôn lậu, hàng giả nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng, có chiều hướng giảm hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên ông Thân Đức Công cho rằng, hàng giả vẫn luôn tiềm ẩn và có những diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay và lĩnh vực thực phẩm cũng không ngoại lệ.

An toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết” - ông Thân Đức Công nói thêm.

Theo ông Thân Đức Công, hiện nay, doanh thu ngành thương mại điện tử tăng rất nhanh, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế, bởi những tiện ích của nó quá lớn. Mọi hoạt động kinh doanh trên thị trường bây giờ ít nhiều đều liên quan đến thương mại điện tử.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh, đặt ra yêu cầu đối với cơ quan nhà nước, quản lý thị trường, phải tăng cường quản lý hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền… diễn ra trên môi trường số… để làm sao hạn chế việc này và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Vừa qua, Quản lý thị trường đã tham mưu Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử và các cơ quan chức năng đang rất tích cực triển khai Đề án này” - ông Thân Đức Công chia sẻ.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan