A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nhà lập pháp của Ấn Độ và Việt Nam

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Shri Om Birla tới Việt Nam phản ánh sự cải thiện trong hợp tác chính trị, lòng tin và hội tụ về quan điểm giữa đại biểu quốc hội hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Shri Om Birla cùng với Đoàn đại biểu Nghị viện đã tới thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/4 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ. Trên tờ India Times, Tiến sỹ Pradhan, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, cho rằng chuyến thăm nay mang rất nhiều ý nghĩa, phản ánh lòng tin và hội tụ về quan điểm giữa đại biểu quốc hội hai nước.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết này.

Phái đoàn bao gồm các nghị sỹ CP Joshi, Riti Pathak, Rahul Ramesh Shewale, Rajani Patil, Harnath Singh Yadav, Mitesh Rameshbhai Patel và Tổng thư ký Hạ viện Utpal Kumar Singh.

Chuyến thăm này mang rất nhiều ý nghĩa. Đây không chỉ là một phần trong các hoạt động chính trị đối ngoại quan trọng giữa hai cơ quan lập pháp nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn phản ánh sự cải thiện trong hợp tác về chính trị của hai nước, lòng tin và hội tụ về quan điểm giữa đại biểu quốc hội hai nước.

Điều này càng có ý nghĩa khi hai nước có hệ thống chính trị khác nhau. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết về văn hóa chặt chẽ và quan hệ giao lưu nhân dân ngày càng nâng cao giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, niềm tin chính trị và sự hội tụ các lợi ích trong những vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.

Trước đó, ngày 15/4, Thủ tướng Modi đã hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm này, thể hiện sự coi trọng trong quan hệ của hai nước với nhau.

Năm 2016 chứng kiến những bước phát triển quan trọng trong việc củng cố quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước. Trong khi quan hệ được nâng cấp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, cơ quan lập pháp hai nước cũng đã xây dựng một cơ chế hợp tác: khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ấn Độ vào tháng 12/2016. Và kể từ đó, quan hệ hợp tác giữa hai bên đang ngày càng phát triển nhanh chóng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm Ấn Độ (15-19/12/2021) cùng với Đoàn đại biểu cấp cao theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Sri Naidu và Chủ tịch Hạ viện Sri Om Birla.

Đây là hoạt động giao lưu cấp cao đầu tiên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và vạch ra kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các nhà lập pháp hai nước.

Kế hoạch hành động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Huệ bao gồm ba khía cạnh.

Đầu tiên, ông mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp theo quan điểm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều này nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết về các vấn đề khu vực và quốc tế giữa các nhà làm luật của hai nước - một yếu tố cần thiết cho sự hợp tác giữa hai nước.

Thứ hai là hai bên cần hiểu rõ hơn về chính sách phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của mỗi nước.

Thứ ba là để có hệ thống so sánh các quan điểm của hai nước về các vấn đề quốc tế và toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu nhằm đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm của ông Shri Om Birla cùng với Đoàn đại biểu của Nghị viện Ấn Độ là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy tiến độ hợp tác trên các phương diện trên.

Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với Chính sách hành động hướng Đông được Ấn Độ khởi xướng từ năm 2014. Hai nước đang cùng thực hiện Chương trình hành động 2021-2023, nhằm mục tiêu phát triển quan hệ song phương thực chất hơn và hiệu quả hơn nữa.

Ông Shri Om Birla đã phát biểu tại Việt Nam rằng Ấn Độ đã thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Quốc hội Việt Nam với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa Nghị viện Ấn Độ và Quốc hội Việt Nam.

Ngày 21/4, ông phát biểu tại một sự kiện cộng đồng do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức với Phòng Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong cuộc gặp với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ông Shri Birla nhấn mạnh Việt Nam vẫn là một trong những đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ và là trụ cột quan trọng trong Chính sách hành động hướng Đông và tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ cũng nhấn mạnh Ấn Độ và Việt Nam có chung quan điểm về các vấn đề hòa bình toàn cầu và khu vực.

Phát biểu về các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu, ông Shri Om Birla đánh giá rằng khi hai nước đang đối mặt với những thách thức tương tự và có chung quan điểm phát triển, Ấn Độ và Việt Nam có thể mở rộng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, chăm sóc sức khỏe và nên kinh tế kỹ thuật số.

Nhấn mạnh tầm nhìn chung của hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ đánh giá rằng quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, an ninh hàng hải, các chương trình nâng cao năng lực và Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc.

Ông cho biết thêm rằng quan hệ hợp tác quốc phòng là một yếu tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông cũng đề nghị các nhà lãnh đạo Việt Nam nỗ lực tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược này.

Ấn Độ hiện đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng. Trong khi Việt Nam đang được thảo luận việc mua tên lửa BraMos, phía Ấn Độ cũng đang mong đợi phía Việt Nam đưa ra quyết định. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng.

Đã có một cuộc thảo luận tập trung vào nhu cầu thúc đẩy thương mại song phương. Ông Shri Birla mong muốn thương mại song phương giữa cả nước sẽ đạt 15 tỷ USD trong ngắn hạn hiện ở mức 13,2 tỷ USD vào năm 2021.

Thương mại của Ấn Độ với Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm lên tới 37% bất chấp những thách thức của đại dịch. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD và bao gồm hơn 300 dự án.

Trước đó, Thủ tướng Modi trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cần tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp và dược phẩm của Ấn Độ tại Việt Nam.

Ông Shri Birla đánh giá cao quan hệ đối tác truyền thống và cùng có lợi giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Điều này càng trở nên quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ông cũng đề cập đến việc công ty ONGC Videsh Limited (OVL) của Ấn Độ đã tham gia vào các dự án điện ngoài khơi của Việt Nam trong hơn ba thập kỷ và hy vọng rằng hợp đồng của Việt Nam với OVL sẽ được gia hạn thêm 15 năm.

Đoàn đại biểu Nghị viện Ấn Độ do Chủ tịch Hạ viện Shri Om Birla dẫn đầu cũng đã gặp gỡ ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Shri Birla nêu bật di sản văn minh chung của Ấn Độ-Việt Nam và thảo luận về một số khía cạnh khác của quan hệ song phương.

Đoàn đại biểu cũng đã đến thăm chùa Trấn Quốc nổi tiếng ở Hà Nội và tưởng nhớ cây bồ đề do cố chủ tịch nước Ấn Độ Rajendra Prasad tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959. Đây là biểu tượng cho mối quan hệ gắn kết văn hóa lâu đời giữa hai nước.

Việt Nam là một đại điểm thu hút khách du lịch và phái đoàn của ông Shri Birla cũng đã tận dụng chuyến thăm này. Đoàn đại biểu Nghị viện Ấn Độ đã đến thăm Hạ Long (Quảng Ninh), di sản thế giới được UNESCO công nhận. Tại đây, đoàn đại biểu được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký tiếp đón.

Hai bên đã có những thảo luận về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch, dược phẩm tự nhiên và các vấn đề khác hai bên cùng quan tâm.

Trong chuyến thăm của ông Shri Birla, một bước quan trọng đã được thực hiện là việc nối lại đường bay giữa hai nươc. Trước đó trong thời gian diễn ra đại dịch, các chuyến bay thẳng giữa New Delhi và Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội đã bị tạm hoãn.

Trong chuyến thăm của ông Shri Birla, các chuyến bay thẳng đã được khôi phục. Ngoài ra, bốn đường bay mới đang được lên kế hoạch giữa Hà Nội-Mumbai, Thành phố Hồ Chí Minh-Mumbai cũng như đảo Phú Quốc, một địa điểm phổ biến với khách du lịch, với New Delhi và Mumbai. Các đường bay này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng Sáu theo từng giai đoạn.

Các nhà làm luật của hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hỗ trợ chính trị cho các chính sách kinh tế và đối ngoại. Các cuộc gặp của hai bên đã củng cố, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết về mối quan tâm của hai nước cũng như giúp hình thành khuôn khổ tốt nhất cho hợp tác chung giữa hai bên.

Với sự hợp tác giữa các nhà làm luật hai nước, triển vọng tương lai cho việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam là rất tươi sáng./.

Theo Vietnam+


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan