A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau 2 năm đại dịch, liệu những thói quen mới có còn tồn tại?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020. Sau 2 năm, hiện một số nước đã thấy ánh sáng phía cuối đường hầm.

Cuộc sống sau đại dịch COVID-19 đã và đang có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Ở nhiều nước giàu có hơn, với những lợi ích đạt được từ việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả nhiều đợt tiêm chủng có quy mô lớn, thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.

Chúng ta có được thành quả này bằng cách học hỏi và tạo dựng nhiều thói quen sức khỏe mới như đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Nhiều người trong chúng ta thậm chí còn xây dựng nhiều thói quen xã hội khác nhau để giảm sự lây lan của virus, chẳng hạn như làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến, du lịch tại địa phương và ít giao tiếp xã hội hơn.

Tuy nhiên, khi nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch, liệu những thói quen mới này có tồn tại và những thói quen cũ có thực sự chết đi?

Làm việc từ xa tại nhà

Một trong những thay đổi lớn nhất được dự đoán trong thời kỳ đại dịch là sự chuyển hướng dài hạn sang làm việc từ xa, tại nhà hoặc làm việc kết hợp. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi này có thể sẽ không rõ ràng hoặc không đầy đủ như mong đợi.

Ở Anh, tỷ lệ người dân làm việc tại nhà trong ít nhất là một khoảng thời gian đã tăng từ 27% vào năm 2019 lên đến 37% vào năm 2020, trước khi giảm xuống còn 30% vào tháng 1/2022.

Tương tự, ở Mỹ, tỷ lệ người dân làm việc từ xa tại nhà cũng giảm từ 35% vào tháng 5/2020 xuống còn 11% vào tháng 12/2021.

Một trong những lý do chính khiến mọi người quay trở lại môi trường làm việc tập trung là do kỳ vọng của các nhà tuyển dụng. Cụ thể, nhiều công ty cho rằng việc làm việc tại nhà thường xuyên hơn có thể ảnh hưởng đến khả năng xây dựng và làm việc nhóm, sự sáng tạo, cũng như năng suất của nhân viên.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ và nhu cầu của nhân viên lại tồn tại một khao khát lớn hơn đối với cách làm việc linh hoạt và kết hợp. Một cuộc khảo sát đa quốc gia gần đây cho thấy, trong khi khoảng 1/3 dân số là người lao động đã làm việc tại nhà ít nhất 1 lần trước đại dịch, khoảng ½ trong số này muốn tiếp tục duy trì việc này trong tương lai.

Mua sắm trực tuyến

Đại dịch không tạo ra thói quen mua sắm trực tuyến, tuy nhiên đại dịch lại khiến chúng ta mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Vậy liệu điều này có làm cho mọi người cảm thấy không cần thiết đối với sự tồn tại của các cửa hàng truyền thống?

Cần phải nhận định rõ rằng mua sắm tại các cửa hàng đã và đang bắt đầu hồi phục. Trước khi Omicron tấn công, việc đến mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ đã phục hồi về mức tiền đại dịch và hiện đang dần phục hồi hậu tác động của Omicron.

Sự gia tăng trong doanh số bán hàng trực tuyến cũng không quá ấn tượng và không duy trì lâu dài như suy nghĩ của nhiều người. Ở Anh, doanh số bán hàng trực tuyến chỉ chiếm 20% tổng doanh số bán lẻ trước đại dịch. Đến tháng 2/2021, con số này đã tăng lên 36% trước khi giảm xuống còn 25% vào tháng 2/2022.

Du lịch quốc tế

Một thói quen có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi là “tình yêu với du lịch quốc tế mà trước đây thế giới đã có được”. Du lịch quốc tế đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới và lĩnh vực này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên Hiệp quốc dự đoán, lượng du lịch quốc tế vào năm 2022 vẫn sẽ giảm gần một nửa so với năm 2019.

Một cuộc khảo sát của Anh thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy, trong khi 80% số người có kế hoạch du lịch trong năm tới, chỉ khoảng 40% đang cân nhắc kế hoạch ra nước ngoài. Trong khi đó, trong 12 tháng tính đến tháng 7/2019, 64% người Anh đã du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ của mình.

Sự do dự khi du lịch quốc tế của người dân phần lớn là do lo ngại bị lây nhiễm COVID-19 và những hạn chế về đi lại vẫn còn tồn tại. Khi những lo lắng giảm đi và các hạn chế trong quy tắc đi lại được nới lỏng, các nước có thể nhìn thấy “một sự bùng nổ nhỏ” trong ngành du lịch nghỉ dưỡng.

Các biện pháp giãn cách an toàn

Thời kỳ đầu của đại dịch, một số nhà bình luận, bao gồm ông Anthony Fauci, Cố vấn Y tế trưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, chúng ta có thể sẽ không bao giờ bắt tay nhau trở lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng hành động này nên quay trở lại càng sớm càng tốt, bởi chúng mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, tâm lý, thậm chí là lợi ích về sinh học.

Đối với những thói quen giãn cách, không tiếp xúc khác, chỉ có thời gian mới trả lời được liệu thói quen của chúng ta đã bị đại dịch thay đổi đến mức nào.

Nhìn chung, mức độ quay trở lại với các thói quen cũ có thể phụ thuộc vào đặc điểm tính cách của từng người - những yếu tố được minh chứng là có tác động định hình mức độ tuân thủ đối với những hành vi mới. Đơn cử, những người cởi mở hơn, hướng ngoại hơn với việc khám phá có thể sẽ hào hứng hơn với các chuyến đi du lịch nước ngoài, hoặc sẵn sàng hơn khi tham gia vào các tập thể lớn, có đông người...

Trên hết, đại dịch là một lời nhắc nhở về mức độ mà chúng ta đánh giá và sự cần thiết trong tương tác hằng ngày giữa người với người.

Đại dịch đã dạy chúng ta rằng cần kết nối với người khác và có nhiều giới hạn trong việc giao tiếp trực tuyến không thể thay thế các kết nối thật trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, kết nối thật như thế nào, đến mức nào lại là lựa chọn riêng của từng người.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan