A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quận Ba Đình: Nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP

Xác định đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những chương trình trọng tâm mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, quận Ba Đình (Hà Nội) luôn chú trọng xây dựng phương án phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng trung tâm giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP.

Nhiều sản phẩm tiềm năng

Thống kê của quận Ba Đình cho thấy, tính đến quý I/2024, trên địa bàn quận đã có 16 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 7 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ được phân hạng 4 sao, 3 sản phẩm truyền thống (cốm xào, bánh cốm, bánh xu xê Hàng Than) và 6 sản phẩm thực phẩm khác đạt 3 sao.

Ngoài các sản phẩm đã đạt OCOP, quận Ba Đình còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng, đặc biệt là về ẩm thực như: Trà, bánh mì, phở, các loại bánh dân tộc truyền thống… Theo khảo sát, số lượng sản phẩm tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP của quận Ba Đình trong giai đoạn trước mắt dự kiến từ 50 - 60 sản phẩm.

Bên cạnh phát triển các sản phẩm OCOP, trong những năm qua, quận Ba Đình đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn hóa của các làng trại trong Thập Tam Trại - vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc địa giới quận Ba Đình. Cùng với Thập Tam Trại, vùng đất Ba Đình xưa còn là nơi hội tụ của rất nhiều ngành nghề thủ công tinh xảo phục vụ việc xây dựng Hoàng thành Thăng Long.

Quận Ba Đình: Nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã

Đơn cử như phườngTrúc Bạch, nơi đây có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, làng nghề dệt lụa và nhiều tiềm năng, lợi thế về dịch vụ ẩm thực. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn phường hiện mới có 2 sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (đều đạt 4 sao). Do đó, phường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề.

Ngoài ra, phường có nhiều sản phẩm hiện là thế mạnh của các cơ sở kinh doanh có thương hiệu như: Phở cuốn Hương Mai, phở cuốn Hưng Bền, phở cuốn 31; lẩu ếch của các cơ sở kinh doanh như: Phong Ớ, Hương mực, Cây tre…; nhóm các loại trà ướp hoa (hoa sen, hoa nhài, hoa lan, hoa bưởi…) của Công ty TNHH Đảo Ngọc Thăng Long.

Bên cạnh đó, UBND phường tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn khôi phục và phát triển nghề dệt lụa của làng Trúc Bạch nổi tiếng trong lịch sử. Đây là những sản phẩm tiềm năng cần khai thác, phát triển thành sản phẩm OCOP để phát huy giá trị thương mại, quảng bá văn hóa lịch sử địa phương, tăng doanh thu của các cơ sở kinh doanh và ngân sách địa phương.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn quận, mới đây, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các chủ thể và sản phẩm tiềm năng của đợt đánh giá này đều có địa điểm sản xuất kinh doanh tại phố Hàng Than (phường Nguyễn Trung Trực), là nơi có nghề sản xuất các sản phẩm từ cốm đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận nghề truyền thống Hà Nội vào tháng 6/2024.

Các sản phẩm từ cốm, từ các mặt hàng truyền thống: Bánh cốm, cốm xào, bánh xu xê đến sản phẩm mới phát triển như bánh mochi cốm, đã và đang được người dân Hà Nội và khách du lịch biết đến, tìm mua.

Đây là các sản phẩm mang đặc trưng của Hà Nội, được làm ra từ kinh nghiệm, tài khéo truyền qua nhiều thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi. Việc tham gia chương trình OCOP đã góp phần nâng cao năng lực chủ thể và tăng tính đặc sắc, yếu tố văn hóa trong sản phẩm, đồng thời, góp thêm cho người dân, khách du lịch những thức quà Hà Nội tinh tế, truyền thống và một điểm đến để trải nghiệm “đất trăm nghề”.

Quận Ba Đình: Nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP

Một số sản phẩm OCOP của quận Ba Đình. Ảnh: Tiến Thành

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng, Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP quận Ba Đình đã đánh giá cao nỗ lực của các chủ thể trong việc gìn giữ các yếu tố truyền thống của sản phẩm, đồng thời, tích cực cải tiến, phát triển các sản phẩm mới từ các nguyên liệu truyền thống, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người dân và khách du lịch.

Ông Cồ Như Dũng cũng cho biết, các sản phẩm nghề truyền thống đang có doanh số tương đối ổn định ở thị trường trong nước. Quận ủy, UBND quận đã quan tâm, hỗ trợ làng nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn quận: 100% cơ sở sản xuất kinh doanh bánh cốm, bánh kẹo dân tộc được tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm hằng năm; 100% cơ sở có sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên được hỗ trợ thiết kế và in tem nhãn sản phẩm, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm nghề truyền thống: Đúc đồng, bánh cốm, cốm xào, bánh xu xê… được hỗ trợ xây dựng hồ sơ tham gia chương trình OCOP.

Đến năm 2024, quận Ba Đình đã có 16 sản phẩm nghề truyền thống được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao. Các sản phẩm sau khi đạt sao OCOP đều phát triển tốt, được nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tại hội nghị, 10 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của 4 chủ thể: Hộ kinh doanh Phạm Thị Hợi - Bánh cốm Nguyên Hương; hộ kinh doanh bánh cốm Ngọc Ninh; hộ kinh doanh bánh cốm Nguyên Ninh; hộ kinh doanh Cốm phố cổ Phúc Đức đều đạt điểm để được phân hạng OCOP 3 sao; nâng tổng số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của quận lên 26 sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc bổ sung các dự án chỉnh trang đô thị, quận Ba Đình sẽ tăng cường các giải pháp phát triển du lịch, gắn với Đề án phát triển các sản phẩm du lịch quận Ba Đình. Trong đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mới các sản phẩm OCOP, phấn đấu đạt từ 3 sao trở lên; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, quận sẽ phối hợp với các trung tâm quảng bá sản phẩm OCOP, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đưa các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của các địa phương trên cả nước về giới thiệu và tiêu thụ trên địa bàn quận.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết