A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều kỳ vọng trước giờ G khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được dự kiến khởi công đồng loạt tại 4 điểm nút vào ngày 25/6 tới. Với mục tiêu mở rộng không gian, kết nối các tỉnh, thành phố, Vành đai 4 được kỳ vọng tạo động lực phát triển mới cho các tỉnh, thành phố liên quan.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài hơn 112 km được ví như “tuyến vành đai kết nối mọi vành đai”, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 58 km, qua Hưng Yên 19 km, qua Bắc Ninh 35 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 28.173 tỷ đồng.

Mọi điều kiện đã sẵn sàng

Báo cáo về tình hình triển khai công tác chuẩn bị lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, tính đến nay, TP. Hà Nội đã tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đạt 81,62%.

Theo số liệu thống kê giải phóng mặt bằng, các quận/huyện trên địa bàn Hà Nội đã thu hồi đất bàn giao mặt bằng được 651,33/798,043ha (đạt 81,62%). Tổng số mộ chí đã di chuyển 6.035/10.039 ngôi (đạt 60,12%). Tổng số tiền đã phê duyệt là trên 4.626 tỷ đồng.

-6830-1687418250.jpg

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được ví như tuyến vành đai kết nối mọi vành đai.

Cụ thể, dự án Vành đai 4 trên địa bàn huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km. Đến nay, huyện đã GPMB được 99,2% diện tích đất nông nghiệp. Huyện có 458 hộ cần GPMB, tái định cư; đã lên phương án bồi thường và GPMB được trên 88% khối lượng tái định cư. Tiến độ xây dựng khu tái định cư đang đạt kế hoạch đề ra.

Trên địa bàn huyện Đan Phượng, Vành đai 4 dài 6,3 km, đến nay đã hoàn thiện GPMB được 85%. Huyện cam kết đến cuối năm sẽ bàn giao 100%. Huyện Hoài Đức sẽ có 17,1 km đường dự án đi qua, đến nay tỷ lệ GPMB đã đạt 84%. Tại quận Hà Đông, đến nay, công tác GPMB đã đạt 84%.

Trong khi đó, huyện Thường Tín đã đạt tỷ lệ 83,4%. Huyện Thanh Oai đạt 82%, cam kết sẽ GPMB đúng tiến độ, đầu tháng 7 sẽ tổ chức đấu thầu và thi công khu tái định cư.

Đối với công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành và đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt triển khai thi công ngay sau khi khởi công dự án.

“Đến nay, các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến”, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho hay.

Dồn lực đảm bảo tiến độ

Trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị lễ khởi công Dự án vào ngày 20/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Hà Nội đã phê duyệt dự án thành phần 2, lựa chọn xong nhà thầu nên sẽ khởi công đúng kế hoạch vào ngày 25/6 tới. Còn hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh do phê duyệt chậm hơn, chưa chọn được nhà thầu, nên sẽ tổ chức động thổ vào cùng ngày này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ quan Thành phố, quận, huyện tiếp tục chuẩn bị kỹ để tổ chức thành công, trên tinh thần bảo đảm lễ khởi công được tổ chức đồng bộ tại 4 điểm, trang trọng, tiết kiệm, ngắn gọn, thực chất, tránh hình thức, cố gắng gói gọn trong khoảng 60 phút.

-1802-1687418251.jpg

Sau khi hoàn thành, Vành đai 4 được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh, thành liên quan. 

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

“Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu 7 quận, huyện và các cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và đến cuối năm 2023 hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ dự khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Hà Nội. Lễ khởi công, động thổ dự án được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Theo chuyên gia, việc hoàn thành Vành đai 4 sẽ mang lại lợi thế lớn về vận chuyển cho Thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh/thành đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Từ đó, có thể giảm giá thành, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm vùng Thủ đô.

Hà Nội và các tỉnh sẽ hưởng lợi không chỉ công nghiệp mà còn có nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… một cách toàn diện. Bởi vậy, giới chuyên môn đặc biệt quan tâm đến yếu tố kết nối của tuyến Vành đai 4 với hệ thống các tuyến đường vành đai hiện nay và với hệ thống các tuyến đường khác.

Bên cạnh hiệu quả với giao thông vùng, giao thông quốc gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp Thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây, khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 6.500ha. Thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến thuộc địa phận các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Lệ Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết