Nhiều giáo viên ở Nghệ An phải xin nghỉ việc vì bị đòi nợ kiểu xã hội đen
Bị những kẻ đòi nợ quấy rối suốt thời gian dài, thấy áy náy với đồng nghiệp, với lãnh đạo nhà trường, các giáo viên này đành phải xin nghỉ việc.
Trả nợ rồi vẫn bị truy bức
Trung tuần tháng 5, chúng tôi gặp chị L.H (30 tuổi, trú TP. Vinh), một trong những nạn nhân của kiểu đòi nợ xã hội đen. Chị H. từng là giáo viên mầm non, tuy nhiên không chịu nổi sự quấy rối, đe dọa từ những kẻ đòi nợ bất lương, vài tháng trước, cô giáo H. đã phải làm đơn xin nghỉ việc.
Chị H. kể rằng, năm 2014, do sửa nhà nhưng thiếu tiền, chị phải vay tín chấp của FE Credit (Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, một công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng - VPBank), số tiền 15 triệu đồng. Theo hợp đồng, khoản nợ này sẽ được trả trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, theo chị H., chỉ sau 12 tháng, chị đã trả xong toàn bộ khoản nợ này.
“Tôi đã trả hết số nợ cho FE Credit chỉ sau 1 năm, điện lên tổng đài họ cũng xác nhận đã tất toán. Ngoài ra, tôi cũng không nợ bất cứ một công ty tài chính nào khác, tôi chưa bao giờ phải để nợ xấu với ai cả”, chị H. bức xúc kể.
Bẵng đi một thời gian, đến năm 2017, chị H. bỗng dưng nhận được điện thoại của những kẻ đòi nợ, thông báo chị vẫn còn nợ FE Credit khoản tiền 6 triệu đồng. Cho rằng quá vô lý, chị H. đề nghị những người này đến làm việc trực tiếp nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai đến gặp. Trong khi đó, điện thoại chị và người thân kể từ đó liên tục bị quấy phá, đe đọa.
“Chúng nó gọi liên tục, đầu tiên bảo khoản nợ của tôi còn 6 triệu đồng, rồi lên 10 triệu đồng. Chúng quấy phá tôi suốt 5 năm nay, gần đây nhất chúng thông báo khoản nợ đã lên 100 triệu đồng. Trong khi tôi yêu cầu gặp trực tiếp thì không chịu, tôi lên VPBank chi nhánh Nghệ An hỏi thì họ cũng xác nhận khoản nợ của tôi đã được trả từ lâu rồi”, chị H. kể thêm.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương bị tấn công trên Facebook dù giáo viên không vay nợ. (Ảnh đã được phóng viên làm mờ). Ảnh: T.H
Không chỉ quấy phá, đe dọa chị H., hàng chục người thân, đồng nghiệp chị cũng bị “khủng bố” với hình thức tương tự. “Chúng quấy phá tôi từ khi tôi còn đang dạy ở Trường Mầm non Trường Thi. Sau đó, tôi chuyển về Trường Mầm non Quang Trung 1, chúng cũng biết được rồi tấn công cả toàn bộ giáo viên trong trường này luôn. Khủng khiếp lắm, chúng gọi điện dọa giết cả nhà, dọa bắt cóc rồi giết con tôi…”, chị H. kể và cho hay, những kẻ đòi nợ còn tấn công vào số điện thoại của lãnh đạo ngành Giáo dục, vu khống chị nợ tiền không chịu trả.
Ngoài việc bị “khủng bố” bằng hàng nghìn cuộc điện thoại, chị H. và gia đình còn bị tấn công trên mạng xã hội. Theo đó, những kẻ đòi nợ đã tìm ra được tài khoản Facebook, Zalo của chị H., để tải hình ảnh của chị và con trai chị xuống rồi cắt ghép, bôi nhọ. Thậm chí, hình ảnh cậu con trai của chị còn bị chúng cắt ghép đang ngồi phía sau nải chuối, rồi đi bình luận trên tài khoản mạng xã hội của chị H. và bạn bè chị.
Cô Lê Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung 1 cho biết, cô chỉ mới về nhận công tác tại trường này từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi nhận nhiệm vụ, cô cũng bị điện thoại “khủng bố” vì cho rằng bao che cho cô H. vay tiền không trả. “Chúng nó gọi điện quấy phá bất kể ngày đêm. Chúng đe đọa khủng khiếp lắm. Ở cái trường học này, không có giáo viên nào không bị quấy phá cả. Mà chúng tôi có vay tiền đâu”, cô Phượng bức xúc. Không chỉ tấn công vị hiệu trưởng bằng các cuộc gọi đe dọa, chửi bới, những kẻ đòi nợ còn lấy hình ảnh của con trai cô rồi cắt ghép cháu đang ngồi phía sau nải chuối.
Sau 5 năm bị quấy phá, cảm thấy áy náy với đồng nghiệp và với lãnh đạo, chị H. đành phải làm đơn xin nghỉ việc. “Dù tôi không nợ tiền ai cả, nhưng thấy chúng quấy phá hiệu trưởng, quấy phá đồng nghiệp như thế, tôi cũng thấy áy náy. Vì áp lực quá, tôi đành nghỉ việc, đổi số điện thoại. Tôi hy vọng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xử lý nghiêm những kẻ đã phá nát cuộc sống của chúng tôi”, chị H. ấm ức nói.
Nghĩ đến tự tử vì những kẻ đòi nợ
Tương tự, tại Trường Mầm non Hưng Chính (TP. Vinh), mới đây cô L.T.G cũng đã phải xin nghỉ việc sau 13 năm làm nhà giáo. Cô G. đành phải nghỉ dạy sau hơn 1 năm chịu đựng những đòn tấn công bởi những kẻ đòi nợ. Không chỉ tấn công cô G., những người này còn “khủng bố” cả ban giám hiệu nhà trường, toàn bộ giáo viên, thậm chí cả những bố mẹ các giáo viên đang ở quê trong suốt thời gian dài.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, cô G. kể rằng, nhiều năm trước cô có vay tín chấp của FE Credit 40 triệu đồng. Sau đó, cô đã trả được một nửa. “Tôi biết, nợ thì phải trả thôi. Nhưng thật sự thời điểm đó gia đình tôi gặp chuyện, cuộc sống quá khó khăn. Vì thế nợ của tôi quá hạn. Phía FE Credit có điện đòi nợ, ban đầu tôi xin khất thêm một thời gian, nhưng họ không chịu. Họ bắt đầu đe dọa bắt cóc, giết con tôi, giết cả nhà tôi. Rồi sau đó đe dọa, tấn công vào những người bên cạnh tôi”, chị G. kể lại.
Bị tấn công đến mức, cô G., nhiều lần nghĩ quẩn, tìm cách tự tử để gia đình, bạn bè được yên ổn. Cũng may, những lần đó người thân cô G. kịp thời phát hiện và ngăn cản. Sau khi được các đồng nghiệp, bạn bè động viện, cô G. mới bình tĩnh trở lại, từ bỏ suy nghĩ đó. Tuy nhiên, đến tháng 2/2022, cô L.T.G làm đơn xin nghỉ việc để “giải thoát” cho nhà trường.
Hiệu trưởng và cả mẹ ruột bị đe dọa trên mạng xã hội dù không liên quan khoản nợ. Ảnh: T.H
Cô Lê Kim Liên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Chính cho hay, bản thân cô và cả toàn bộ giáo viên trong trường đã phải chịu đựng đe dọa, uy hiếp bằng các cuộc gọi và xúc phạm, bôi nhọ trên mạng xã hội suốt hơn 1 năm. “Chúng gọi cho một vị hiệu phó, đe dọa là con của cô ấy chúng biết hết. Yêu cầu cô phải chỉ đạo cô L. trả nợ cho chúng ngay. Không biết chúng lấy số điện thoại ở đâu ra, mà đến cả bố mẹ của một giáo viên khác trong trường đang ở quê mà chúng cũng gọi để đe dọa. Thật khủng khiếp”, cô Liên kể.
Bản thân cô Liên và mẹ ruột của cô còn bị những kẻ đòi nợ dùng ảnh để xúc phạm, đe dọa và vu khống trên mạng xã hội Facebook. Vụ việc sau đó đã được nhà trường trình báo tới Công an phường Hưng Chính, tuy nhiên, những đòn tấn công vẫn tiếp diễn. Mãi đến tháng 2/2022, vị hiệu trưởng phải đăng bài trên Facebook cho biết cô L.T.G đã nghỉ việc, không còn đi dạy nữa thì toàn bộ giáo viên, ban giám hiệu nhà trường mới được tha. “Chúng tôi cũng đã động viên cô G. rất nhiều, bởi sợ cô ấy nghĩ quẩn. Đến khi cô G. xin nghỉ việc chúng tôi cũng khuyên can nhưng không được”, cô Liên nói thêm.
Tại Trường Mầm non Tam Hợp (Tương Dương), nhiều ngày nay, giáo viên, hiệu trưởng cũng bị tấn công với thủ đoạn tương tự. Cô L.T.D. cho biết, từ trước đến nay cô không hề vay nợ một công ty, tổ chức nào hết. Thế nhưng, khoảng 3 tuần nay, những kẻ đòi nợ không hiểu vì sao có được thông tin của cô, cấp trên rồi bạn bè để gọi điện đe dọa, yêu cầu cô phải trả nợ. “Có người bạn của tôi đang ở tận trong miền Nam lâu lâu mới liên lạc chúng cũng gọi điện để bêu xấu tôi. Tôi cam đoan là không có chuyện tôi nợ nần. Khi chúng gọi điện, tôi và bạn bè tôi cũng hỏi là tôi nợ bao nhiêu, nợ của ai nhưng chúng cũng không nói”, cô D. nói.
Những kẻ đòi nợ còn lên mạng xã hội lấy hình ảnh của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp rồi cả các đồng nghiệp của cô D., để bôi nhọ với nội dung “bao che cho cô D. giựt nợ”. “Tôi chưa bao giờ phải lâm vào tình cảnh như thế, chúng tấn công khủng khiếp. Đã có lúc, tôi nghĩ đến chuyện tự tử cho xong. Cũng may lúc đó có người động viên, vì họ cũng đã gặp trường hợp tương tự”, cô D. kể. Vụ việc sau đó cũng đã được trình báo lên Công an xã Tam Hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.