A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành thủy sản dự kiến cán đích 11 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, cá tra khoảng 2,5 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cá ngừ 1 tỷ USD, các loài cá khác, chủ yếu là cá biển, chiếm 18% với 1,7 tỷ USD…

Các sản phẩm đều tăng trưởng bình quân từ 18 đến 77%. Thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản nằm top 4, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Riêng thị trường Mỹ, lần đầu tiên đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến cuối tháng 10, XK thuỷ sản cả nước đã đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch XK của những ngành hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.

-5215-1669734716.jpg

XK cá ngừ chắc chắn sẽ đạt kỷ lục 1 tỷ USD trong năm 2022, vì đến cuối tháng 10 ngành này đã thu được 884 triệu USD.

77% là con số tăng trưởng ấn tượng của ngành cá tra và kim ngạch 2,1 tỷ USD trong 10 tháng qua, giúp ngành này tăng tỷ trọng trong cơ cấu các sản phẩm XK chính, chiếm gần 23%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021, cá tra chỉ chiếm 17% XK. Giá trung bình XK cá tra tăng nhiều nhất, 50% so với cùng kỳ, và cơ hội gia tăng thị phần do xung đột Nga – Ukraine làm nguồn cung cá thịt trắng hạn chế: Đó là 2 yếu tố chính thúc đẩy XK cá tra tăng mạnh trong thời gian qua.

Đối với ngành tôm, dù vẫn tăng 18% và mang về giá trị XK cao nhất gần 3,8 tỷ USD, nhưng tỷ trọng của ngành tôm năm nay là 40%, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm tăng mạnh 5 tháng đầu năm, sau đó chững lại, thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ trong một số tháng. Nửa cuối năm, XK tôm bị sụt giảm vì thị trường giảm nhu cầu và thiếu nguyên liệu trong nước. Giá tôm trung bình XK cũng không tăng mạnh được như cá tra vì áp lực cạnh tranh rất lớn với 2 nước Ecuador và Ấn Độ.

XK cá ngừ chắc chắn sẽ đạt kỷ lục 1 tỷ USD trong năm 2022, vì đến cuối tháng 10 ngành này đã thu được 884 triệu USD, tăng 49% và chiếm 9,4% tổng XK thuỷ sản, cao hơn so với 8,4% cùng kỳ năm ngoái.

XK mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng 2 con số với 33% đạt 630 triệu USD. Trong đó, sản phẩm mực mang về 354 triệu USD, bạch tuộc XK đạt 277 triệu USD.

XK các loài cá khác, chủ yếu là cá biển, chiếm 18% với 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm chả cá, surimi XK đạt trên 350 triệu USD. Các loài cá khác có kim ngạch XK đáng kể gồm: cá hồi, cá cơm, cá nục, cá chẽm, cá minh thái, saba, cá trích, cá tuyết…

Theo nhận định của các chuyên gia năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó khăn dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam trở nên đắt đỏ, vốn vay gặp nhiều khó khăn, trong khi lãi suất tăng mạnh…

Trong khi đó, lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm. Đặc biệt, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay nên không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, nếu thị trường khởi sắc vào cuối quý I-2023, có thể dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam ở mức trên 10 tỷ USD năm 2023. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động sản xuất, củng cố vấn đề tài chính, chi phí sản xuất một cách tối ưu; nâng cao chất lượng sản phẩm để phục hồi trong giai đoạn tới.

Q.A


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết