A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lì xì... online giữa 'mùa Covid'

Phong tục lì xì đầu năm được xem là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến. Nhưng Tết thời Covid-19 dường như mọi thứ đã bị đảo lộn khi mọi người không thể gặp mặt, nhưng dù không gặp mặt trực tiếp mọi người vẫn có thể bày tỏ tình cảm và những lời chúc mừng đầu năm thông qua hình thức lì xì... online.

Trước Tết một tháng, gia đình anh Nguyễn Văn Nho (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã mua 8 vé khứ hồi cho cả gia đình 4 người về Hà Nội "ăn Tết", nhưng đến những ngày cận kề Tết anh đành hủy hết vé của chuyến đi này vì lý do đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.

li-xi-5004-1639360563.jpg

Tục lì xì đầu năm có nhiều thay đổi và cập nhật theo xu hướng mới cực dễ thương trong năm Nhâm Dần 2022.

Tết xa hóa Tết gần

Có lẽ, gia đình anh Nho chỉ là một trong nhiều gia đình tại TP.HCM phải hủy bỏ chuyến về quê ăn Tết do dịch bệnh. Dù có đôi chút buồn lòng, tiếc nuối nhưng mọi người luôn hiểu rằng việc quan trọng hơn hết lúc này là cần phải đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình trước sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

“Nếu không có dịch COVID -19 và các ca bệnh không lan rộng ở nhiều tỉnh, thành thì giờ này, tôi đang chuẩn bị quà bánh để mang về biếu Tết cha mẹ và họ hàng ở quê”, anh Nguyễn Văn Nho bộc bạch.

Bên ly cà phê chiều 30 Tết, tôi cùng anh Nho và hai người bạn đồng hương ngồi nhâm nhi, cùng ôn lại những kỷ niệm về Tết xưa, Tết nay. Quán cà phê ngày Tết không nhiều khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà thiếu đi những tiếng cười. Nhấp một ngụm cà phê đá cùng tiếng nhạc rộn ràng với những ca từ đón Tết, anh Nho trải lòng: Hôm đầu tiên, khi nghe tin dịch bùng phát trở lại ở Hà Nội, vợ tôi vẫn bày tỏ muốn cả nhà về bên ngoại ăn Tết, vì năm nay kế hoạch đã định sẵn. Nhưng rồi ngày nào cũng theo dõi ca bệnh tăng vọt nên cô ấy tự đề xuất: "Thôi năm nay ở đâu thì ngồi tại đó ăn Tết cho lành".

"Tôi thở phào nhẹ nhõm, không phải là mừng vì không về nhà ngoại mà mừng vì cô ấy hiểu tình cảnh hiện giờ và không nặng suy nghĩ chuyện Tết nội, Tết ngoại. Thay vào đó, chúng tôi đã có kế hoạch ăn Tết đặc biệt, rất riêng và theo tôi là "hợp với cuộc cách mạng 4.0", anh Nho chia sẻ.

Không về quê ăn Tết, không mang được quà Tết về, chúng tôi quyết định "biếu Tết bằng chuyển khoản", lì xì Tết cho bố mẹ, anh chị em và các cháu hai bên bằng cách online. Hai vợ chồng tôi thống nhất chuyển vào tài khoản ông bà nội, ông bà ngoại một khoản tiền, nhờ ông bà mua đồ để dâng lên bàn thờ gia tiên và chuẩn bị đồ ăn Tết.

"Tất nhiên, nếu chúng tôi về và cùng ông bà chuẩn bị thì không khí sẽ vui vẻ đầm ấm hơn. Nhưng sẽ còn rất nhiều dịp, khi dịch bệnh qua đi, lúc đó quây quần bên nhau vừa yên tâm vừa thoải mái thì hơn", vừa nói, anh Nho vừa mở chiếc điện thoại thông minh mới cóng và chia sẻ cho chúng tôi cách... lì xì cho người ở... phương xa.

Rồi anh Nho kể tiếp: Đêm 30 Tết, như mọi năm được về quê, sau khi thắp hương cho gia tiên, gia đình tôi sẽ quây quần bên nhau để gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, nhiều sức khoẻ và bình an đến ông bà, cha mẹ và lì xì may mắn đầu năm cho mỗi người. Năm nay chúng tôi vẫn giữ nếp phong tục này, nhưng thay vì trực tiếp sẽ gián tiếp facetime, sau đó sẽ lì xì online cho từng người.

"Chắc chắn, tụi trẻ khá hào hứng với việc này vì năm đầu tiên nhận lì xì qua hình thức nhanh gọn mà lại rất hiện đại. Các bạn bè của tôi, đồng nghiệp và con cái của họ, tôi cũng thông báo sẽ lì xì theo hình thức này", anh Nho quả quyết.

Người Việt đã sẵn sàng?

Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà những chuyến về quê "ăn Tết" của nhiều người như gia đình anh Nho đã bị tạm hoãn. Mọi người đều ý thức và nâng cao tinh thần chủ động phòng dịch, hạn chế di chuyển tối đa vì một cái Tết an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhiều người đã đón Tết bằng hình thức "chuyển đổi số" vừa đảm bảo phòng dịch mà vẫn đảm bảo sum vầy bên người thân, bạn bè trong ngày đầu năm mới.

Cũng bởi, lì xì mang nhiều ý nghĩa như chúc một năm mới phát tài, an khang thịnh vượng. Theo thời gian, tục lì xì đầu năm có nhiều thay đổi và cập nhật theo xu hướng mới cực dễ thương trong năm Nhâm Dần 2022 này và từ đây có thể sẽ mở ra một xu thế "mừng tuổi online" mỗi dịp "Tết đến xuân về".

li-xi-2-9245-1639360563.jpg

Giới trẻ rất háo hức với hình thức lì xì online trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Đem câu chuyện trên trao đổi với ông Trương Quang Việt - Phó Tổng giám đốc - Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, ông Việt nói rằng: "Thay vì cách lì xì truyền thống như mọi năm, Tết năm nay nhiều người phải lì xì theo cách đặc biệt hơn mà thôi. Vào dịp Tết vẫn có lì xì nhưng khi kết hợp yếu tố công nghệ sẽ giúp cho việc lì xì dễ dàng hơn và nó cũng vui vẻ hơn dù giá trị truyền thống vẫn còn".

Lý giải của ông Việt không phải không có lý, bởi khi đi chúc Tết thông thường người ta sẽ chuẩn bị sẵn các bao lì xì, nhưng sẽ có những lúc không sẵn thì khá tế nhị, nhưng khi dùng công nghệ thì không cần chuẩn bị sẵn. Bên cạnh đó, đây cũng là cách lì xì hiện đại, phù hợp với thời 4.0, nếu muốn lì xì cho bạn hay người thân, chỉ cần dùng điện thoại và quét QR của nhau là có thể lì xì được.

Hơn nữa, đối tượng người trẻ đã quen với công nghệ có thể trở thành sứ giả để mang công nghệ đến với đối tượng lớn tuổi hơn, cũng như là trẻ nhỏ. Cùng với sự ra đời của Mobile Money những người không có điện thoại thông minh vẫn có thể gửi và nhận lì xì thông qua số điện thoại. Vì vậy, nhận định dịp Tết nguyên đán 2022 sẽ bùng nổ lì xì online không phải không có lý.

Bên cạnh đó, lý do khác của cuộc đua lì xì online là động lực từ chủ trương hạn chế dùng tiền mặt, tiền lẻ trong dịp Tết của Chính Phủ. Ưu điểm của nó càng được đề cao khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp ngay trong mùa Tết, đòi hỏi việc nên hạn chế tập trung đông người và sử dụng tiền mặt.

Nhìn sang các nước khác cũng có phong tục đón Tết cổ truyền giống Việt Nam như Trung Quốc, Singapore… Chính phủ các nước này cũng đang khuyến khích lì xì điện tử thay tiền mặt.

Ban đầu, trào lưu lì xì trực tuyến xuất phát từ Trung Quốc, cũng là thị trường ví điện tử phát triển sớm và mạnh nhất khu vực. Hồng bao ảo (virtual hongbao) lần đầu được WeChat của Tencent giới thiệu năm 2014 tại sự kiện Gala Lễ hội mùa xuân của CCTV.

Ngay sau đó, Alipay của Alibaba tung ra hàng triệu USD tiền mặt và phiếu quà tặng (voucher) thông qua các trò chơi, để khuyến khích người dùng tham gia kiếm lì xì. Cuộc đua càng gay gắt khi Tencent kết hợp lì xì tiền đi kèm với tặng vàng, cùng các tính năng ưu đãi khác.

Bằng cách số hóa một phong tục truyền thống là lì xì dịp Tết, người Trung Quốc từ đó dần nhanh chóng cảm thấy thoải mái với việc dùng ví điện tử. Theo số liệu của Statista, khoảng 823 triệu người đã nhận hoặc gửi lì xì trực tuyến qua WeChat ở Trung Quốc trong dịp Tết 2019 và con số này tăng lên gấp ba lần vào năm 2021.

Một quốc gia khác là Singapore khuyến khích người dân tìm đến các nền tảng thanh toán điện tử khi lì xì ngày Tết.

Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), việc sử dụng lì xì điện tử vừa có lợi cho môi trường, ước tính giảm 330 tấn khí thải carbon do hoạt động sản xuất tiền mới sinh ra, tương đương lượng phát thải khi sạc 5,7 triệu smartphone, vừa giúp giữ an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp diễn. Ngoài ra, người dân cũng không cần xếp hàng đổi tiền mới. Do đó, nhà chức trách kêu gọi các công ty fintech phát triển, đưa ra nhiều ứng dụng lì xì đa dạng để hỗ trợ. Hiệp hội Ngân hàng Singapore sẽ tích cực quảng bá quà tặng điện tử trong mùa lễ hội năm nay.

Có lẽ, câu chuyện lì xì số hóa nước bạn cũng là giải pháp cho Việt Nam, bởi trên tất cả là sự an toàn cho cho cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn căng thẳng trên phạm vi toàn cầu. 

Câu chuyện chúc Tết qua mạng, tặng quà và lì xì cho người thân bằng cách chuyển khoản của chúng tôi dường như chưa thể khép lại nếu như đồng hồ không chỉ phút giao thừa đang cận kề. Chia tay nhau, chúng tôi hẹn ra giêng khi dịch bệnh lắng xuống, mấy gia đình sẽ làm một chuyến ra Bắc để thăm người thân, gia đình. 

Ngoài phố, những dòng người vẫn hối hả, đường phố như trang hoàng lung linh hơn trong phút giây giao thời, ánh đèn nhiều màu sắc phủ khắp các ngả đường Sài Gòn hoa lệ. Xuân đã thực sự về qua từng đường phố, từng căn nhà...

Thanh Hoa


Tác giả: Tết xa hóa Tết gần
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết