A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lào Cai: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm

UBND tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vắc xin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030.

Cụ thể tại Kế hoạch số 270/KH-UBND ngày 24/5/2024 của UBND tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vắc xin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030.

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2024 - 2026 là lựa chọn 2 xã và 1 thị trấn của huyện Bảo Thắng (xã Xuân Quang, xã Phong Niên, thị trấn Phong Hải) để xây dựng thành công 03 vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp xã.

Lào Cai: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm

Lào Cai đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (Ảnh: LCĐT)

Đến hết năm 2027 hoàn thành việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với huyện Bảo Thắng và có ít nhất 03 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã thuộc các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát hoàn thành xây dựng, được Cục Thú y công nhận…

Năm 2028 - 2030 xây dựng vùng an toàn dịch bệnh liên huyện gồm các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn; có ít nhất 1 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu được lợn thịt và sản phẩm từ lợn sang thị trường Trung Quốc.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết Lào Cai tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho cơ sở, người chăn nuôi. Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho lực lượng thú y cấp huyện, xã về giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; chẩn đoán, điều trị bệnh các biện pháp phòng, chống dịch... Đồng thời, củng cố, kiện toàn hệ thống thú y tại các vùng an toàn dịch bệnh được tổ chức theo quy định của pháp luật. Bảo đảm các nguồn nhân lực, vật lực và nguồn lực tài chính để triển khai có hiệu quả công tác thú y như: Tiêm phòng, giám sát, điều tra dịch tễ, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, truy xuất nguồn gốc động vật và điều trị động vật mắc bệnh...

Vùng an toàn dịch bệnh phải được xây dựng tập trung và liên tục, phân tách địa lý phải rõ ràng ở một quy mô nhất định, phù hợp với vùng địa lý hành chính được công bố trên website chính thức của Nhà nước hoặc theo ngăn cách nhân tạo. Có Trạm Kiểm dịch động vật và khu cách ly với các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm dịch và phòng ngừa dịch bệnh. Có biển cảnh báo đặt trên các tuyến đường giao thông đi đến vùng an toàn dịch bệnh. Thiết lập vùng bảo vệ (vùng đệm) tối thiểu 3 km xung quanh vùng an toàn dịch phục vụ cho các hoạt động tiêm phòng bắt buộc và kiểm soát lưu động đối với động vật mẫn cảm với bệnh lở mồm long móng…

Việc xây dựng thành công các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp xã, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, liên huyện trong giai đoạn 2024 - 2030 sẽ tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi gia súc bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết