A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để làm chủ ‘con sóng’ đầu cơ?

“Sóng” từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có thể mang tới cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, "lướt sóng" nhóm cổ phiếu này dễ có rủi ro thua lỗ cao, nên nhà đầu tư cần có những nguyên tắc “nằm lòng”.

Giới phân tích cho rằng, thị trường sẽ đi ngang trong năm 2023 bởi nền tảng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tăng trưởng.

Cơ hội đến từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ

Mới đây, WiGroup dự báo, sự suy yếu của nhóm VN30 sẽ còn kéo dài trong quý I năm nay khi triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối kém tích cực trong bối cảnh lãi suất cao, đồng thời quý I năm ngoái lại là đỉnh lợi nhuận theo quý của nhóm này.

-9063-1677578156.jpg

“Sóng” từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có thể mang tới cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư, nhưng "lướt sóng" nhóm cổ phiếu này dễ có rủi ro thua lỗ cao.

Chưa kể, sau giai đoạn mua gom “ồ ạt” cuối năm ngoái, khối ngoại đã có dấu hiệu chậm lại rõ rệt từ đầu năm 2023. Bên cạnh đó, dòng tiền vào các quỹ ETF cũng có dấu hiệu chững lại, nhất là dòng vốn đến từ khu vực châu Á.

Mặc dù dòng vốn ngoại không thể quyết định xu hướng chung của thị trường nhưng thực tế cho thấy thời gian qua, thị trường chịu ảnh hưởng khá lớn từ dòng tiền này khi dòng tiền nội dường như đang đứng ngoài “cuộc chơi”. Cho nên, với việc đảo chiều bán ròng trở lại của khối ngoại, dự báo nhóm vốn hóa lớn sẽ gặp khó trong thời gian tới. Bởi lẽ các quỹ đầu tư có gốc nước ngoài với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng trở lên phải theo nguyên tắc chỉ đầu tư những cổ phiếu tốt (công ty lớn, cổ phiếu có tính thanh khoản cao, doanh thu và thị trường tốt…).

Mặt khác, trong 3 năm trở lại đây (2020 - 2022), mỗi năm đều xuất hiện một làn sóng nhóm cổ phiếu mid-cap (nhóm vốn hóa vừa) và small-cap (nhóm vốn hóa nhỏ) khi VN-Index hay VN30 có dấu hiệu chững lại. Trong các đợt sóng đó, tỷ suất sinh lời của 2 nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vượt trội hơn rất nhiều so với các chỉ số lớn như VN-Index hay VN30.

Điểm tích cực là thị trường chứng khoán cũng đã điều chỉnh rất sâu trong năm 2022 theo dự báo kinh tế xấu đi. Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện một một con sóng từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, mang tới cơ hội “lướt sóng” cho nhà đầu tư. Chiến lược này cũng được cho là hoàn toàn hợp lý khi thị trường đang trong cảnh “mưa nắng thất thường”.

Thực tế từ các diễn đàn, hội nhóm, room tư vấn chứng khoán cho thấy, gần đây, số lượng người tham gia giao dịch ngắn hạn ngày càng nhiều. Các câu hỏi về việc vào - ra theo nhịp ngắn hạn, thậm chí T+ ngày càng phổ biến. Rất nhiều người khoe lãi vì bắt trọn sóng “đầu cơ” trong tuần vừa qua.

“Giao dịch ngắn hạn với những cổ phiếu đầu cơ là cách nhanh nhất để mình có thể lấy lại những gì đã mất. Nhờ đó, tài khoản của tôi đã được cải thiện đáng kể, từ lỗ khoảng 50% xuống còn 40%, dù không phải lần giao dịch nào cũng thắng lợi”, anh Giang (Hà Nội) chia sẻ trên một diễn đàn đầu tư chứng khoán.

Không thể phủ nhận rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu “trà đá” có thể mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và ưa mạo hiểm.

Gọi là cổ phiếu “trà đá” nhưng có khi thị giá của những cổ phiếu loại này thậm chí còn thấp hơn giá cốc trà đá. Đó là những cổ phiếu có thanh khoản, thậm chí thanh khoản rất lớn, và giá cổ phiếu có thể vẫn tăng bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ, thậm chí đối diện với “án” hủy niêm yết.

Do đó, lướt sóng loại cổ phiếu này có rủi ro thua lỗ cao, bị “kẹp hàng”, hoặc đen đủi hơn là xuống tiền ở “đỉnh sóng”. Bởi rõ ràng tiền lời từ các phi vụ “lướt sóng” này chủ yếu đến từ việc chuyển tiền qua lại giữa những người chơi mà không liên quan gì đến giá trị gia tăng nội tại của doanh nghiệp.

Vậy, để tham gia lướt sóng những cổ phiếu nhóm này, nhà đầu tư nên có chiến lược ra sao?

Nguyên tắc “nằm lòng”

Nhìn chung, “ăn bằng lần” là điều mà nhà đầu tư nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, cổ phiếu tăng trần không lý do thì đương nhiên cũng có thể giảm sốc “chẳng cần lời giải thích”.

Mặc dù có thời điểm những cổ phiếu này từng bị nhà đầu tư “ngó lơ” sau những hệ lụy từ bài học cổ phiếu "họ FLC” hay "họ Louis" trong năm qua, hàng trăm mã cổ phiếu bị điều chỉnh về dưới mệnh giá, thậm chí là ở mức giá “rác” (dưới 1.000 đồng/cp). Nhưng trước những “màu tím” phủ đầy, nhiều người khó có thể kìm được lòng mình để rồi lại lao theo “con sóng”. Cho nên, mỗi nhà đầu tư cần xây dựng cho mình một phương pháp đầu tư dựa theo trải nghiệm của bản thân.

Theo chia sẻ của anh Giang, điều quan trọng là phải đón đúng sóng, đu theo sóng và thoát hàng đúng thời điểm thích hợp.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển chỉ ra một số nguyên tắc mà nhà đầu tư cá nhân có thể sử dụng để lướt sóng với nhóm cổ phiếu đầu cơ, tránh tình trạng “vô tình lướt sóng thành cổ đông dài hạn”.

Trước hết, chọn cổ phiếu của công ty có "vai vế" trong một ngành có khả năng cạnh tranh ở Việt Nam. Bởi với những cổ phiếu loại này, ở mức giá mua thấp, khi "gặp nạn" thì nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm "ngồi chờ" vì khả năng phục hồi giá là rất cao.

Tiếp đó, lập một khung “giá mua - giá bán”, theo đó tới giá mua là mua dần và trên giá bán là bán dần, dựa trên thống kê diễn biến giá cổ phiếu trong một năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lưu ý những mức giá này cần được kiểm định lại mỗi tháng một lần dựa trên số liệu thống kê.

Bắt đầu mua lúc giá dần giảm về mức “giá mua” nhưng cần kết hợp với việc chỉ số VN-Index không trong giai đoạn giảm mạnh. Còn bắt đầu bán khi thấy giá trị giao dịch có dấu hiệu tăng dần tới mức “giá bán”.

Lưu ý, chỉ nên đầu tư một cổ phiếu không quá 2 tỷ đồng dựa trên số lượng cổ phiếu và thanh khoản bình quân cổ phiếu (cổ phiếu có khối lượng và thanh khoản lớn thì giá trị đầu tư có thể nhiều và ngược lại). Và nên có từ 3 - 4 mã cổ phiếu của các ngành khác nhau để "lướt sóng" luân phiên.

Cuối cùng, khi điểm mua - bán đã đến, nhà đầu tư phải sẵn sàng bỏ ngoài tai những lời khuyên của nhân viên môi giới hoặc các tin đồn trên thị trường để quyết định mua hoặc bán.

Hải Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết