A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để cứu thị trường ô tô ‘rơi tự do’?

Như thông lệ, mỗi khi kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gặp khó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô lại “trông” vào sự hỗ trợ của Chính phủ với giải pháp chính là giảm thuế, phí. Tuy nhiên, về lâu dài, việc lựa chọn sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, gia tăng chất lượng dịch vụ… để đáp ứng nhu cầu khách hàng mới là giải pháp hiệu quả và thiết thực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ngày 24/5, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 5, thị trường Việt Nam chỉ nhập khẩu tổng cộng 3.257 ô tô nguyên chiếc các loại, bằng một nửa so với nửa đầu tháng 4 và đạt kim ngạch gần 88 triệu USD. 

Tiêu thụ xe ô tô liên tục giảm

Theo các ý kiến phân tích, lượng xe nhập khẩu giảm trong giai đoạn hiện nay là dễ hiểu, bởi thị trường đang gặp khó khăn lớn về đầu ra. Lượng tồn kho lớn kết hợp với sức bán chậm khiến các nhà nhập khẩu có xu hướng ngần ngại. 

-1840-1684921876.png

Sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước liên tục sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Báo cáo kết quả hoạt động do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán xe toàn thị trường trong tháng 4 đạt hơn 22.400 xe, giảm 25% so với tháng trước và giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực trạng này nối dài chuỗi ngày kinh doanh ảm đạm từ đầu năm đến nay, với tổng lượng xe tới tay người tiêu dùng chỉ bằng 2/3 năm ngoái. Cụ thể, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. 

Mặc dù các đại lý bán xe ô tô đã triển khai nhiều giải pháp gồm hỗ trợ phí trước bạ, hợp tác với các ngân hàng triển khai gói vay ưu đãi nhưng sức mua thị trường vẫn sụt giảm mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất tăng cao, tỷ giá, lạm phát, nhu cầu yếu...

Tuy nhiên cũng có một nguyên nhân khác là sự tính toán của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô có phần lạc quan sau kết quả thắng lợi của năm 2002 với trên 400 nghìn xe. Vì vậy, trong tháng đầu năm, các doanh nghiệp tăng lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Tính chung cả quý I, cả nước nhập khẩu 42.002 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 925,5 triệu USD, tăng tới 76,9% về lượng và tăng 64,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

“Trong khi nhu cầu giảm mạnh, ô tô nhập khẩu ồ ạt về trong nước càng khiến cho lượng xe tồn kho tăng cao”, một chuyên gia cho hay.

Anh Mạnh Tuấn, quản lý showroom ô tô tại đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết, doanh số của một số dòng xe ghi nhận trong tháng 4 giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước. Dù đã áp dụng các chương trình khuyến mãi, liên kết với ngân hàng cho vay mua xe với lãi suất từ 0%/năm, hay có xe giảm đến 100 triệu đồng nhưng lượng tiêu thụ vẫn giảm đáng kể.

Sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ của Nhà nước hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, một số showroom vẫn tiếp tục hỗ trợ khoản phí này cho khách hàng. Tuy nhiên, doanh số tháng 4 vừa qua vẫn giảm một nửa so với năm ngoái.

Trông vào chính sách giảm thuế, phí 

Do vậy, thời điểm này, bên cạnh nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, các giải pháp kích cầu từ cơ chế chính sách cũng rất cần thiết để thị trường ô tô hồi phục.

Theo VAMA, nhiều hãng xe đã triển khai các chương trình chiết khấu lên tới 12%. Tuy nhiên, để tạo sức bật giúp thị trường hồi phục cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hay phí trước bạ phù hợp.

Mới đây, VAMA và các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho ngành ô tô, trên cơ sở tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu ban truyền thông, VAMA cho biết: "Việc hỗ trợ của Chính phủ làm cho ngành kinh doanh tốt lên không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà cũng sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách của cơ quan Chính phủ và địa phương".

Về đề xuất giảm thuế TTĐB, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính, với lo ngại trong việc cân đối ngân sách của nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế…, đã kiến nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô trong nước.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng trình 2 phương án để Thủ tướng quyết định. Đó là giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ chỉ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp mà ảnh hưởng ít đến ngân sách, Bộ Tài chính cũng bày tỏ quan điểm “ủng hộ” việc gia hạn nộp thuế TTĐB.

Dù vậy, cơ quan này cũng lo ngại, nếu tiếp tục việc gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan các quy định về đối xử quốc gia của WTO và các FTA. Do đó, thời gian áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không nên kéo dài.

Như vậy, việc chỉ dựa vào hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến thuế, phí để “cứu” doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, việc lựa chọn sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, gia tăng chất lượng dịch vụ… để đáp ứng nhu cầu khách hàng mới là giải pháp hiệu quả và thiết thực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết