A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa học công nghệ tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn

Khoa học công nghệ được kỳ vọng tạo ra sức bật mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc nâng cao giá trị sản phẩm; đây là yêu cầu trọng tâm khi xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025. Tuy vậy, các đề tài khoa học cần được tiếp thị, quảng bá và chuyển giao đến người nông dân, hợp tác xã; không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng, chuẩn hóa...

Mở đầu Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã mượn hình ảnh, câu chuyện về trái quýt Unshu của Nhật Bản để khẳng định yếu tố khoa học công nghệ đã tạo ra sức sống mới cho khu vực nông thôn.

Khoa học công nghệ giúp nâng cao giá trị sản phẩm

Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các nghiên cứu khoa học phục vụ cho xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới phải song hành cùng Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để chuyển hóa tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

-6809-1664841245.jpg

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về những câu chuyện ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm.

Từ thực tế của Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn đã đạt được trong giai đoạn 2016-2021, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thời gian qua, Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…

Chương trình cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung…

Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt, chương trình đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất.

Trong chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai 1/2 hoặc 3/4 máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp…

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng chỉ ra những hạn chế của Chương trình như nội dung một số đề tài, dự án còn tản mạn; chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng nông thôn mới; một số vấn đề quan trọng trong khung nội dung Chương trình có số lượng nhiệm vụ nghiên cứu còn hạn chế, thậm chí nội dung về về tích tụ ruộng đất còn chưa có; rất ít đề tài nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng nông thôn mới…

Thị trường chấp nhận thì đề tài khoa học mới thành công

Dẫn chứng mô hình “làng thông minh” được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, ông Nguyễn Đình Tĩnh, đại diện HTX nông nghiệp số, cho rằng thực tiễn định hướng phát triển chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại Việt Nam đã đặt ra một số yêu cầu về chuyển đổi số trong nông thôn mới đáp ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng số và các giải pháp thông minh trong quản lý điều hành, triển khai dịch vụ nông thôn. Điển hình là xây dựng “thôn thông minh” là tiêu chí bắt buộc đối với mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu.

-2377-1664841246.jpg

Đề tài khoa học cần phải được thị trường chấp nhận thì mới thành công. 

Theo đó, ông Tĩnh nhấn mạnh chuyển đổi số trong quản trị nông thôn theo hướng tiếp cận làng thông minh là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công của việc xây dựng mô hình thôn thông minh, bên cạnh sự tham gia của chính quyền, người dân và công tác quản lý điều hành, quản lý, tổ chức vận hành các hoạt động đời sống khu vực nông thôn.

Về việc thực hiện chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học có thể từ "trên" đưa xuống nhưng cũng có thể xuất phát từ thực tiễn trên đồng ruộng của nông dân, địa phương. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi và dùng khoa học công nghệ để giải quyết những câu hỏi đó".

Hơn nữa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, nếu một đề tài tuy nhỏ nhưng có thể thực hiện ở nhiều địa phương tương đồng thì sức lan tỏa sẽ rất lớn thay vì việc thực hiện một đề tài rất lớn nhưng lại khó ứng dụng rộng rãi. Các đề tài khoa học cũng cần được tiếp thị, quảng bá, chuyển giao đến người dân. Chỉ khi thị trường chấp nhận thì đề tài mới thành công.

"Không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng, chuẩn hóa cho nông dân, hợp tác xã. Mong rằng, mỗi nhà khoa học đến với nông dân chính là cơ hội giúp nông dân nâng cao tri thức, tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thông qua các câu chuyện về ứng dụng công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông sản của Trung Quốc, Nhật Bản.

“Dù chúng ta có đề tài khoa học nhưng nếu chỉ nhìn vào một thứ, thì tức sẽ bỏ đi nhiều thứ phía sau. Nhiều khi thứ phía sau đó có giá trị gấp trăm gần. Đơn cử, Việt Nam là quốc gia có nhiều cây tre, đừng nghĩ chỉ để làm thủ công mỹ nghệ, bàn ghế mà thế giới họ đang làm tả cho trẻ em…”, Người đứng đầu Ngành nông nghiệp chia sẻ.

Đồng thời, Bộ trưởng NN&PTNT cũng đánh giá, các bước xây dựng, xét duyệt đề tài đang mất rất nhiều thời gian. Do đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cần tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng danh sách đề tài trước, sau đó trao đổi, bàn bạc, rút gọn và thực hiện các bước tiếp theo để rút ngắn thời gian thực hiện đề tài.

Bộ NN&PTNT cho biết chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 19). Với định hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh", các đề tài thuộc Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, điều kiện địa phương.

Đặc biệt, các đề tài khoa học công nghệ cần chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và lan tỏa cao trong thực tiễn; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo... Chương trình tiếp tục tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở vùng nông thôn...

Kiều Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết