A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi nông dân chọn hướng sản xuất sạch

Những năm gần đây, ngoài chú trọng đến việc đa dạng chủng loại, tăng năng suất, nông dân Đà Lạt đặc biệt chú trọng việc sản xuất nông sản sạch. 

Nhiều nông dân chủ động chọn hướng sản xuất rau, củ, quả sạch để tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Nhiều nông dân chủ động chọn hướng sản xuất rau, củ, quả sạch để tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Theo thông tin ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả khảo sát của đơn vị này cho thấy, hiện nay, nhiều nông dân Đà Lạt có xu hướng sản xuất rau, củ, quả sạch. 

Sản xuất gần 1.000 m2 dưa baby, mỗi ngày, gia đình anh Nguyễn Tiến Thắng, Phường 10 (TP Đà Lạt) cung cấp hàng trăm kg cho khách hàng. Vườn cây được gia đình anh chăm sóc theo quy trình VietGAP và sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm bón. Cũng vì thế mà khu vườn rộng lớn không xuất hiện mùi hôi của phân bón hay mùi hắc của thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ thực hành sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng nên năm 2018, vườn nhà anh Thắng đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ. 

Theo anh Thắng: “Làm vườn bây giờ không thể theo lối “ăn xổi, ở thì” mà phải làm tỉ mỉ, làm bằng cái tâm. Dưa có sạch thì sức khỏe người làm, người ăn mới được cải thiện và tất nhiên, nông sản đạt chất lượng cao thì giá cũng cao và dễ bán hơn”. 

Cũng sản xuất theo hướng này, gia đình anh Cao Bá Quát ở Phường 12 (TP Đà Lạt) cũng áp dụng quy trình sản xuất sạch trên diện tích gần 4 ha cà chua, rau cải, dưa leo Nhật… Đối với việc chăm bón, nông dân này sử dụng nguồn phân có yếu tố vi sinh để vừa đảm bảo sự sinh trưởng cho cây, vừa đảm bảo môi trường xanh sạch cho vườn tược. Toàn bộ nông sản được sản xuất có doanh nghiệp bao tiêu. “Cứ 2 tuần là đối tác đến kiểm tra cà chua một lần. Chỉ cần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức hay yếu tố nào đó ảnh hưởng chất lượng là họ chấm dứt hợp đồng ngay. Do vậy, chúng tôi làm rất kỹ”, anh Cao Bá Quát chia sẻ. 

Đó là lý do từ khâu làm đất, đặt giống đến chăm sóc đều được gia đình anh Quát thực hiện bài bản, nghiêm ngặt, ghi chép nhật ký đầy đủ.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chọn hướng sản xuất nông nghiệp này được xem là tín hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này là một trong những yếu tố quan trọng giúp nông sản làm ra có được sự cạnh tranh trong thị trường. Bởi hiện nay chất lượng nông sản sạch là một trong những tiêu chí được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu.

Ông Nguyễn Phúc Tín - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, công tác quản lý đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm của tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến. Nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ nên dần thay đổi tư tưởng cũng như phương pháp sản xuất trong nông dân. Nhờ vậy, các nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê cơ bản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng dần được cải thiện hơn. 

Cũng theo ông Tín, việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, diện tích sản xuất VietGAP, 4C, UTZ, HACCP… có tiến bộ khi người dân quan tâm và chủ động tham gia tích cực. Các yếu tố như ô nhiễm hóa chất, vi sinh vật trong rau, thịt, thủy sản có chiều hướng giảm. 

Minh chứng cho điều này bởi thời gian qua, Chi cục đã lấy 200 mẫu nông sản gồm dâu tây, xà lách, cà chua, ớt, cải thảo, atisô… ở các cơ sở du lịch canh nông để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả cho thấy 200/200 mẫu đều an toàn, không vượt ngưỡng quy định. 

Đồng thời, Chi cục cũng đã thực hiện 18 đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trên 53 mẫu và có kết quả an toàn 100%. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tổ chức 5 cuộc thanh tra đối với 5 cơ sở, lấy các mẫu gừng, cà phê, trà bồ công anh… để tiến hành kiểm tra. Riêng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng tổ chức 5 đợt kiểm soát chuỗi liên kết rau, củ, quả, chè, cà phê đối với 30 chuỗi ở các huyện, thành phố của tỉnh. Kết quả cho thấy các mẫu đều đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Theo đánh giá của Chi cục, hiện nay, các cơ sở du lịch canh nông đều chú trọng phát triển chất lượng sản phẩm, đặt tiêu chí vì sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng lên hàng đầu. “Đây cũng là yếu tố giúp sản phẩm được tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt là rau, củ, quả”, ông Tín thổ lộ.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất và người dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết