A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội chống úng ngập mùa mưa: Đâu là giải pháp?

Trên thực tế, mỗi năm cứ vào khoảng tháng 5 đến tháng 10, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội bắt đầu vào mùa mưa, cũng là lúc các tuyến phố nội đô thường gặp tình trạng ngập úng khi có mưa lớn. Gần đây, với tình hình thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, tình trạng này ngày càng trở nên nặng nề. Vậy đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề thoát nước tại Thủ đô?

 

Chống úng ngập mùa mưa: Đâu là giải pháp? - Ảnh 1.

Công ty Thoát nước Hà Nội luôn chủ động nhân vật lực ứng trực, tiêu thoát nước tại những điểm úng ngập. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Mưa lớn vượt sức chịu tải của hệ thống thoát nước

Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng thể hiện rõ nét đến nước ta. Tại Thủ đô Hà Nội, ngay trong tháng 5/2022 vẫn còn có những đợt không khí lạnh và đặc biệt là có những trận mưa lớn vượt kỷ lục theo số liệu từng được ngành khí tượng thủy văn ghi nhận như trong chiều ngày 29/5. Mưa lớn kỷ lục và bất thường với cường độ mưa cao nhất tại các quận Cầu Giấy là 182 mm; quận Tây Hồ 160 mm; quận Đống Đa (Láng) là 138 mm; quận Nam Từ Liêm là 130 mm… đã gây ra úng ngập cho nhiều khu vực, do vượt quá sức chịu tải của hệ thống thoát nước hiện có.

Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thể hiện trong kế hoạch thoát nước mùa mưa 2022, đã báo cáo UBND Thành phố và các sở, ngành Thành phố, khi lượng mưa ≤ 50 mm/2 giờ, trên địa bàn Thành phố không xảy ra úng ngập; khi mưa từ 50-100 mm/2 giờ sẽ có 11 điểm úng ngập cục bộ và khi mưa rất to >100 mm/2 giờ có tính chất thiên tai như ngày 29/5/2022 sẽ có khoảng 50-70 khu vực úng ngập trên đường phố cũng như các khu dân cư, tùy theo độ lớn của các trận mưa.

Trao đổi về tình trạng "Hà Nội cứ mưa lớn là úng ngập", nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, Hà Nội ngập vì một số nguyên nhân như vấn đề quy hoạch, hạ tầng đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường bao gồm cả thói quen xả thải của người dân; cùng với đó là thực trạng ao hồ bị san lấp, nhiều công trình mới xây dựng khiến tình trạng ngập thêm trầm trọng…

"Chính việc gia tăng mật độ dân cư và xây dựng tại các khu vực do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với nhiều khu phức hợp, nhiều nhà cao tầng tập trung là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập cục bộ cho các khu vực này; hiện tượng bê tông hóa gần như 100% bề mặt làm mất khả năng thấm nước mưa vào đất, mất khả năng điều hòa thoát nước tại chỗ khi mưa do ao hồ, đồng ruộng, các vùng trũng chứa nước bị san lấp cũng như việc gia tăng nước thải qua việc sử dụng nước sạch và các hoạt động thương mại tại các khu vực đông dân cư", đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nhìn nhận.

Ngoài ra, còn có khả năng hệ thống thoát nước tại các khu vực này chưa được thiết kế xây dựng phù hợp và chưa được khớp nối đồng bộ với hệ thống bên ngoài.

Phối hợp các giải pháp hạn chế tối đa úng ngập

Chia sẻ với phóng viên về giải pháp để khắc phục tình trạng úng ngập mỗi khi có mưa lớn tại Hà Nội, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trước mắt, đối với địa bàn thoát nước của Công ty được Thành phố giao, hằng năm, Công ty đều xây dựng kế hoạch thoát nước mùa mưa vào đầu năm và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa năng lực của hệ thống thoát nước hiện có; đưa nhanh nhất nước mưa về các nguồn đều thoát ra khỏi Thành phố để hạn chế tối đa úng ngập.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa từ Trung tâm Khí tượng thuỷ văn đồng bằng Bắc bộ và các nguồn dự báo trong nước, nước ngoài để chủ động ứng phó từ sớm. Tăng cường kiểm tra, nạo vét vệ sinh bùn đất, phế thải bảo đảm toàn bộ hệ thống thoát nước được giao luôn luôn thông thoát, không ách tắc.

Vận hành tốt các trạm bơm, hồ điều hoà để duy trì mực nước thấp trên toàn hệ thống cống, kênh, mương, sông hồ trong suốt mùa mưa; bảo đảm các trạm bơm, hồ điều hoà hoạt động 100% công suất tiêu thoát nước khi mưa xảy ra. Tổ chức lực lượng ứng trực nhanh chóng, kịp thời với 100% quân số, thiết bị, xe hút, máy bơm di động để nhanh chóng giải quyết các điểm úng ngập khi mưa xảy ra.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công ty Thủy lợi trong việc duy trì vận hành các tuyến cống, kênh, mương, sông, trạm bơm do ngành nông nghiệp quản lý để phục vụ việc thoát nước khu vực đô thị.

Nhấn mạnh việc phối hợp để thực hiện tốt công tác thoát nước, chống úng ngập mùa mưa, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, cần sự quan tâm, hỗ trợ giải quyết các tồn tại, vướng mắc của chính quyền các cấp, các ngành, các chủ đầu tư những công trình, dự án gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và cả những hành động thiết thực của người dân như không vứt rác, xâm hại hệ thống thoát nước, xây bục bệ, đặt tấm chắn lên ga cống làm cản trở khả năng thoát nước của hệ thống.

Về giải pháp lâu dài, đề nghị các bộ, ngành, Thành phố chỉ đạo đánh giá, nghiên cứu điều chỉnh, xây dựng quy hoạch hệ thống thoát nước một cách đồng bộ cho các vùng của Hà Nội, một Thủ đô có diện tích hơn 3.400 km² có tính đến những yếu tố của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần kịp thời đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, hệ thống thủy lợi bằng nhiều nguồn lực của nhà nước và xã hội theo kịp tốc độ đô thị hóa của Thủ đô để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, thoát nước, chống úng ngập của Thành phố.

Hy vọng rằng với việc phối hợp, chung sức, đồng lòng giữa chính quyền, các đơn vị chuyên ngành và người dân thì bài toán chống ngập tại Hà Nội sẽ dần dần được hóa giải.

Diệu Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết