A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ rào cản thuế, phí để hóa giải ‘bài toán’ giảm chi tiêu

Giá vé máy bay quá cao (do gánh nhiều thuế, phí) làm Phú Quốc vắng khách, còn Hội An lùi việc thu phí với toàn bộ du khách sau phản ứng gay gắt từ dư luận. Những rào cản về thuế, phí không chỉ riêng ngành du lịch gặp phải, đang cần được tháo gỡ nếu muốn hóa giải “bài toán” người tiêu dùng giảm chi tiêu như hiện nay.

Theo phản ánh mới đây, dù sắp bước vào đợt cao điểm du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 nhưng nhiều khách sạn ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang “mệt mỏi” vì thiếu khách, có tỷ lệ lấp đầy chưa đến 50%. 

Cản trở kích cầu du lịch

Nguyên nhân được chỉ rõ là vì giá vé máy bay đến thành phố du lịch này hiện quá cao nên đa số trường hợp hủy đặt phòng, đơn cử như vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc vào dịp nghỉ lễ 30/4 đang dao động từ 6 đến hơn 10 triệu đồng, còn Tp.HCM - Phú Quốc khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng.

Trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng giá vé máy bay nội địa cao so với giá vé máy bay ở các nước Đông Nam Á, đang là cản trở nhiều mặt về kích cầu du lịch.

-9094-1681118470.jpg

Giá vé máy bay trong nước quá cao do gánh nhiều loại thuế, phí đang làm cản trở kích cầu du lịch.

Đứng ở góc độ khách du lịch, chị Nguyễn Mộng Thùy (trú Tp.HCM), than phiền giá vé máy bay tăng chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khi mà kinh tế khó khăn còn nhiều, mọi người thắt chặt chi tiêu, suy nghĩ tính toán kỹ càng hơn trước khi tiêu tiền.  

“Nếu muốn đi du lịch mà thấy giá cả leo thang như vé máy bay thì chắc chắn nhiều người sẽ đổi ý. Một khi vé máy bay chiếm đến 60 - 70% chi phí chuyến đi du lịch nên khách du lịch e ngại, hủy đặt phòng là phải”, chị Thùy nói.

Cần lưu ý, trong chuyện giá vé máy bay cao không thể không xét đến các khoản thuế, phí. Chẳng hạn như với vé khứ hồi từ Tp.HCM và Hà Nội thì thuế, phí và các khoản phụ thu được cho là chiếm khoảng 40% tổng số tiền khách phải trả, bao gồm: Thuế giá trị gia tăng Việt Nam, Phí soi chiếu an ninh hành khách và hành lý Việt Nam, Phí dịch vụ hành khách chặng nội địa Việt Nam.

Chưa kể, khách hàng còn chịu thêm khoản phí của hãng bay, ít nhất chiếm 40% giá vé là khoản phí quản trị hệ thống và khoản phí này liên tục tăng. Như giai đoạn 2017-2018, khoản phụ thu quản trị hệ thống của các hãng rơi vào 110.000 - 150.000 đồng/chiều/hành khách. Đến nay phí quản trị hệ thống của các hãng là 310.000 - 450.000 đồng/chiều/hành khách. Đây là khoản phí lớn nhất trong các hạng mục phí cấu thành giá vé.

Trong cơ cấu vé máy bay, phần phí được cho là cao hơn phần vé rất nhiều. Ví dụ có thời điểm vé khuyến mãi nhưng các loại phí gấp đôi, gấp ba giá vé. Có ít nhất 16 loại phí đang áp dụng cho các hãng bay, gồm 8 dịch vụ Nhà nước quy định khung giá và 5 dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá, thêm các khoản thu do các sân bay đưa ra như phí taxi. Tất cả đều dồn về người tiêu dùng chi trả.

Như mới đây, sân bay Tân Sơn Nhất ở Tp.HCM thông báo thay đổi phương án thu phí theo lượt taxi thấp nhất 9.100 đồng/lượt thay vì cho thuê vị trí đậu theo tháng như trước đây khiến các hãng taxi lo tăng chi phí và khả năng sẽ tăng giá cước. Thực ra, sân bay thu trực tiếp khoản phí này với doanh nghiệp taxi nhưng người thực sự trả tiền chính là hành khách.      

B tôm hùm, xúc tép riêu”?

Trong khi đó, ở một số quốc gia trong khu vực lại có các khoản thuế, phí phải thu thấp hơn dẫn đến tổng giá vé bay nội địa nhìn chung thấp hơn Việt Nam.

Nhắc đến nhiều loại phí mà khách du lịch phải gánh cũng không thể không bàn tới động thái mới nhất từ chính quyền Tp.Hội An (tỉnh Quảng Nam) là lùi việc thu phí toàn bộ du khách sau khi có phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Theo đó, thành phố du lịch này chưa thực hiện phương án phân luồng và bán vé (giá vé khách quốc tế là 120.000 đồng và khách nội địa 80.000 đồng một lượt) cho tất cả du khách vào phố cổ từ ngày 15/5/2023 như dự kiến.

Có thể thấy, đó cũng là một thất bại trong việc “đẻ” ra những loại phí mới trong bối cảnh ngành du lịch sau thời gian đầy khó khăn đang rất cần được kích cầu. Lẽ ra, khi tâm lý người dân có xu hướng tiết giảm chi phí, để tăng thu hút khách du lịch thì chính quyền địa phương cũng phải cẩn thận khi đưa ra quy định, phương án thu phí này, nếu không rất dễ "mất cả chì lẫn chài". 

Theo chị Mộng Thùy, lẽ hiển nhiên tất cả các loại phí luôn là người dùng cuối phải chịu. Dù đã lùi việc thu phí toàn bộ du khách nhưng chính quyền Tp. Hội An nên nghiên cứu kỹ về việc thu phí. Nếu cứ chăm chăm thu phí sẽ chẳng khác nào “bỏ tôm hùm, xúc tép riêu”.

“Nếu Hội An không thu phí 80.000 đồng thì khi đến Hội An tôi sẽ tiêu hết ít nhất 800.000 đồng. Còn quyết thu phí thì tôi sẽ không bao giờ đến”, chị Thùy chia sẻ.

Nhiều ý kiến bày tỏ phương án thu phí du khách vào thăm phố cổ Hội An có thể sẽ làm cho số lượt người đến sẽ giảm đáng kể. Các dịch vụ khác như thuê khách sạn, ăn uống, phương tiện đi lại, mua đồ lưu niệm, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, ế ẩm. 

Nêu ra vấn đề bất cập về thuế phí mà ngành du lịch đang gặp phải để thấy đó cũng chính là rào cản để hóa giải “bài toán” giảm chi tiêu như hiện nay khi xu hướng dài hạn cho thấy người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn với túi tiền của mình. 

Và khi sức mua giảm mạnh thì khó khăn của các doanh nghiệp sẽ càng trở nên chồng chất. Như trong báo cáo tình hình hoạt động của DN vào quý 1/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM cho thấy có tới 41,2% số lượng DN được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp.

Thực tế cho thấy, với người dân, dựa trên tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, họ vừa thu nhập thấp vừa phải tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ các loại thuế, phí cao làm giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao, sẽ dẫn đến phải thắt chặt hầu bao, tiết giảm nhu cầu trong các lĩnh vực khác. Nếu muốn khuyến khích họ tăng chi tiêu là cả vấn đề nan giải. Và một khi người dân hạn chế chi tiêu nhiều thì hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm, doanh nghiệp sẽ càng thêm khó.

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục có đề xuất hàng loạt các giải pháp về thuế, phí trong năm 2023. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nếu muốn “nuôi dưỡng” người tiêu dùng, để cải thiện sức mua thì các nhà hoạch định chính sách về thuế, phí cần phải tự vấn về những rào cản hiện tại và nên có điều chỉnh kịp thời, sát sườn, thiết thực hơn, nhằm cùng nhau kích cầu để "cùng thắng".

                                                                                 Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết