A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm nghèo vùng chảo lửa Kông Chro

Là một trong bốn huyện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai, nhưng Kông Chro đã có nhiều khởi sắc trong giảm nghèo nhờ tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận với các chính sách giảm nghèo, từ đó tạo động lực để họ vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Huyện Kông Chro có 14 xã, thị trấn với 114 thôn, làng (trong đó, có 12 xã với 75 thôn, làng đặc biệt khó khăn). Để đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, huyện đã tiến hành thực hiện lồng ghép các chương trình dự án, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, xây dựng và triển khai các mô hình giúp người dân thoát nghèo…

Đổi thay từ kinh tế đến tư duy

Ông Hoàng Đình Dũng (thôn 2, xã Kông Yang) cho biết, là một trong những hộ nghèo của xã nhưng thông qua chương trình giảm nghèo, gia đình ông đã được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nên cuộc sống người dân ngày được cải thiện.

“Sau khi chuyển đổi 1,5 ha mía kém hiệu quả sang trồng nhãn và tham gia HTX Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang, gia đình được hỗ trợ vay vốn sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác nên năng suất cây trồng tăng, thu nhập được nâng lên đáng kể. Hiện, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu được gần 200 triệu đồng từ cây nhãn”, ông Dũng cho biết.

Ông Trịnh Xuân Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang, cho biết hiện HTX có 40 thành viên với trên 76 ha cây ăn quả được trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, sản phẩm trái cây (nhãn, bưởi, ổi, na, sầu riêng) của HTX còn xuất khẩu sang một số nước Trung Đông và Trung Quốc nên mang lại nguồn thu nhập khá cho thành viên và người dân.

Đặc biệt HTX Kông Yang được chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập và phát triển thông qua việc phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường, xuất khẩu… vì đây là một trong những mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, hướng đến thoát nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó đến nay, xã Kông Yang không chỉ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 80% (năm 2012) xuống còn 27,95% mà tư duy sản xuất của người dân cũng thay đổi. Từ chỗ chỉ quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và gắn bó với những cây trồng truyền thống, đến nay, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất trên quy mô lớn, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiếp cận khách hàng.

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ người dân thị trấn Kông Chro chuyển đổi từ cây mía sang trồng măng tây theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, huyện còn hỗ trợ người dân thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Kông Chro với 7 thành viên để liên kết với Công ty TNHH Hạ Hiệp (Hà Nội) để bao tiêu sản phẩm.

Chị Đỗ Thị Sương, thành viên HTX Kông Chro, cho biết nếu trồng 5 sào mía, năm nào được mùa, được giá thì thu nhập đạt gần 20 triệu đồng. Nhưng khi chuyển đổi sang trồng cây măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình có thể thu về gần 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, từ đó giúp đời sống ổn định hơn, không lo thiếu trước hụt sau như những năm trước.

Lực đẩy từ HTX

Có thể thấy, Kông Chro là huyện được xem như chảo lửa của tỉnh Gia Lai khi chỉ có 2 mùa nắng và mưa, đất xám bạc màu. Nhưng những năm vừa qua, cuộc sống của người dân khởi sắc lên nhờ định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết cũng như việc đẩy mạnh phát triển mô hình HTX.

Chỉ từ 2017-2022, huyện Kông Chro đã thành lập được 30 HTX. Đến nay, các mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả cho người tham gia và cộng đồng xã hội. Đây là tiền đề để huyện Kông Chro tiếp tục nhân rộng, đa dạng loại hình kinh tế tập thể cũng như kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách hiệu quả. Thống kê đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 5.033 hộ nghèo, chiếm 39,69% dân số, giảm 709 hộ so với năm 2021; còn 1.919 hộ cận nghèo, chiếm 15,13% dân số.

-9065-1695715180.jpg

Phát triển trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa là một trong những hướng đi bứt phá trong giảm nghèo ở Kông Chro.

Việc chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể được cho là giúp người dân, nhất là những hộ nghèo dễ dàng tiếp cận với nhiều chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế-xã hội xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã phần nào tạo cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, giúp bộ mặt các xã khó khăn của huyện thay đổi rõ rệt, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ phát triển sản xuất và dịch vụ xã hội thuận lợi, chất lượng hơn, từ đó nâng cao nhận thức và năng lực của người nghèo.

Tiêu biểu như nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước trong chương trình giảm nghèo, đầu tháng 12-2022, 71 hộ ở xã An Trung đã vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, 71 hộ này đều đang tham gia các tổ hợp tác và 2 HTX trên địa bàn xã để phát triển sản xuất.

Anh Đinh Kênh (làng Brò, xã An Trung) cho biết: 10 năm trước, gia đình vô cùng khó khăn. Được xã tạo điều kiện, anh Kênh đã vay 30 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cũng như tham gia HTX, sau mỗi vụ thu hoạch, anh trả bớt tiền vay, có vốn tái đầu tư, phát triển sản xuất.

“Đến năm 2019, tôi trả hết nợ và mua được máy cày phục vụ sản xuất và làm thuê kiếm thêm thu nhập. Hiện gia đình có 4 ha mía, mì, lúa nước và 1 ha chuyên trồng cỏ, duy trì đàn bò 9 con và 5 con dê. Thu nhập hàng năm của gia đình hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”, anh Kênh chia sẻ.

Đầu tư, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến

Với mục tiêu hướng đến thoát nghèo vào năm 2025, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Kông Chro vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo như đào tạo nghề, hỗ trợ người nghèo xây nhà, hỗ trợ người dân, HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Chính vì vậy mà đến nay, toàn huyện có 11 hộ nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây nhà với định mức 50 triệu đồng/căn. Huyện đã mở được mở 5 lớp đào tạo nghề cho 165 người dân tham gia. Ngoài ra, huyện tiếp tục củng cố, hỗ trợ các xã, thị trấn thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất tại các thôn, làng để hướng dẫn người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả.

Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp huyện, trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng như giảm nghèo của huyện còn những hạn chế nhất định đang phần nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân như: chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; sản xuất nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ.

Cùng với đó, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất của người dân, HTX chưa mạnh. Đặc biệt, giá các mặt hàng nông sản bấp bênh thiếu ổn định, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Trước thực trạng trên, ông Võ Nguyên Nam, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, cho rằng Kông Chro sẽ tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua tổ hợp tác, HTX để người dân học tập. Bên cạnh đó, tăng cường dự báo dịch bệnh, tình hình thị trường ngành nông nghiệp để giúp người dân chủ động phòng-chống và có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp theo hướng hàng hóa quy mô lớn phù hợp với lợi thế của địa phương, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân cũng như thúc đẩy giảm nghèo.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình tiên tiến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: cơ giới hóa, phát triển cây trồng theo hướng chuyên canh VietGAP, có chứng nhận, thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản theo hướng trang trại, gia trại góp phần giảm ô nhiễm môi trường”- Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết.

Để tăng nguồn lực cho người dân, huyện cũng sẽ tiếp tục triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gắn với việc xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Minh Nhương


Tác giả: Đổi thay từ kinh tế đến tư duy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết