A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Được đề xuất toàn quyền điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính lên tiếng

Tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2022 tổ chức ngày 9/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chia sẻ quan điểm về đề xuất của Bộ Công Thương giao Bộ Tài chính quản lý toàn diện thị trường xăng dầu.

Theo đó, ông Chi cho biết: đề xuất giao Bộ Tài chính quản lý toàn diện thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính nắm được tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu. "Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị định 95 và có đưa ra các đề xuất, điều này là bình thường. Các đề xuất sau đó được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến dư luận, rồi các cơ quan quản lý phối hợp quản lý hiệu quả, tốt hơn", ông Chi nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay: "Quan điểm Bộ Tài chính là thị trường xăng dầu cần một cơ quan đầu mối quản lý để chủ động điều hành và quy rõ trách nhiệm. Vì vậy, quyết định cuối cùng là của Chính phủ. Chính phủ sẽ cân nhắc cơ quan nào sát sao, đúng chức năng nhiệm vụ và đúng chuyên môn thì giao việc".

-8410-1673273558.jpg

Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính toàn quyền điều hành giá xăng dầu

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc quản lý xăng dầu của Bộ Công Thương “khá tốt”. Ông dẫn chứng: "Năm 2022, giá xăng dầu thế giới biến động dữ dội như vậy, nhưng nhìn chung đến giờ này, giá xăng dầu và thị trường xăng dầu trong nước khá ổn định, nhịp nhàng”.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: Nếu Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý toàn diện thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ phối hợp. Nếu trong trường hợp khác thì cũng phải sẵn sàng. “Tôi có suy nghĩ, dù giao cho bất kỳ cơ quan nào, giá xăng dầu cũng phải điều hành tốt, không có vấn đề cần phải bàn cãi", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Việc này, theo ông Phớc, sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình, cho rằng "hợp lý" nếu một đầu mối điều hành xăng dầu là Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài Chính để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Tài chính về lĩnh vực tài chính. 

Hơn nữa, Bộ Công Thương cho rằng việc tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành... sẽ chính xác theo chế độ hoạch toán, kế toán.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá, trường hợp giao Bộ Tài chính cũng có nhược điểm là việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết