A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới phương thức hoạt động, nhiệm vụ sống còn của Công đoàn

Trong bối cảnh mới hiện nay, khi quy mô đoàn viên phát triển vũ bão và chất lượng đội ngũ cán bộ còn bộc lộ hạn chế, thì nhiệm vụ đổi mới phương thức hoạt động công đoàn được đánh giá là cực kỳ khẩn thiết, cấp bách. Các nhà quản lý dùng hai từ “sống còn” như một mệnh lệnh để thể hiện yêu cầu bắt buộc phải đổi mới hoạt động của tổ chức Công đoàn nhằm đảo bảo vai trò, tính tiên phong của tổ chức.

Mệnh lệnh đổi mới

Ngày 12/6/2021, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bộ Chính trị ghi nhận sâu sắc vai trò của tổ chức Công đoàn trong 90 năm hình thành và phát triển, tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại chương trình “Bữa cơm Công đoàn” Công ty Than Vàng Danh

Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại chương trình “Bữa cơm Công đoàn” Công ty Than Vàng Danh

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, chia sẻ: “Công đoàn cần tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động, tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi; Đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn.

Việc xây dựng các chủ trương, nghị quyết và kế hoạch hoạt động của công đoàn các cấp phải dựa trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và được nghiên cứu, đánh giá, khảo sát, lấy ý kiến các đối tượng liên quan”.

PGS. TS Nguyễn Sỹ Trung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thẳng thắn chỉ ra: Tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Công tác phát triển đoàn viên, Công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở còn hạn chế. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh (thứ hai từ phải sang) trao quà cho cán bộ, công nhân lao động

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh (thứ hai từ phải sang) trao quà cho cán bộ, công nhân lao động

Một vấn đề nổi cộm là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu. Hoạt động Công đoàn ở một số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và tình hình quan hệ lao động.

Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế. Tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tuy giảm nhưng còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự.

“Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động…

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam”, PGS. TS Nguyễn Sỹ Trung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ ra.

Những giải pháp đổi mới hoạt động Công đoàn

Tại Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2023-2028) diễn ra trong hai ngày 16-17/10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Trong 5 năm tới, dự báo tình hình sẽ có nhiều thay đổi. Tình hình quốc tế còn nhiều diễn biến phức tạp; cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tiếp tục tác động mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội to lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia”.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian tới, người lao động sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới cũng đặt ra những thách thức trong việc tạo việc làm bền vững; tổ chức Công đoàn có nguy cơ giảm sút số lượng đoàn viên, nguồn lực tài chính sẽ gặp khó khăn. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội song cũng không ít khó khăn, thách thức; yêu cầu, đòi hỏi của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn ngày càng cao.

“Vì vậy, các cấp Công đoàn Thủ đô phải nhận thức sâu sắc hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới, phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động", đồng chí Nguyễn Đình Khang trăn trở.

Để đổi mới hoạt động công đoàn trong cả nước, PGS. TS Nguyễn Sỹ Trung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đưa ra giải pháp: “Để đổi mới hiệu quả phương thức hoạt động của Công đoàn, trước tiên cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình mới”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Trung, các cấp ủy và tổ chức Đảng phải thường xuyên lãnh đạo, định hướng để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự.

Các cấp cần quan tâm lãnh đạo công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; thành lập tổ chức Công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể khác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân, người lao động đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Ngoài ra, các tổ chức Công đoàn cần phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với công đoàn cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức, cán bộ và hoạt động công đoàn cấp mình. Định kỳ hằng năm và khi cần thiết, Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành cấp uỷ làm việc với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp để nắm tình hình hoạt động, chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Đổi mới phương thức hoạt động, nhiệm vụ sống còn của Công đoàn

Đổi mới trong hoạt động công đoàn là nhiệm vụ sống còn

Cụ thể, để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về về lao động và công đoàn, các cơ quan tổ chức tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động và tổ chức đại diện của người lao động.

Cơ quan quản lý Nhà nước tích cực phối hợp với Công đoàn tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động.

Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp với Công đoàn; xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để Công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đông công nhân lao động, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.

Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Vấn đề phúc lợi xã hội cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của công đoàn. Theo Tiến sỹ Trung, Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động; nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập...

Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn đổi mới thì công tác bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nhận thức về chính trị cho cán bộ công đoàn trong bối cảnh hiện nay rất quan trọng. Điều này nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn có kiến thức về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đồng thời, Công đoàn cần xác định cụ thể các mục tiêu đổi mới của tổ chức như: Đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở; vì đoàn viên và người lao động; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn”…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan