Điểm tin
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất người lao động bị sa thải hoặc kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đang gây nhiều tranh luận.

Tác động đến an sinh xã hội

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; người lao động hưởng lương hưu; người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo

Đề xuất người lao động bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đang gây nhiều tranh luận. Ảnh: Khánh Trần

So với Luật Việc làm 2013, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung thêm đối tượng không được hưởng là người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Đề xuất này đang gây nhiều tranh luận, đáng chú ý với những người lao động nhiều tuổi.

Thời gian qua, không ít công nhân lao động trong nhóm từ 35 đến trên 40 tuổi đã bị sa thải, mất việc. Nhiều lý do khiến người lao động phải nghỉ việc, có thể vì doanh nghiệp muốn cắt giảm nhân công để giảm chi phí, có thể vì một sai sót gì đó, thậm chí đưa ra yêu cầu áp lực công việc quá cao khiến người lao động không đáp ứng được yêu cầu… dẫn đến bị sa thải.

Nếu rơi vào trường hợp như vậy, người lao động thiệt thòi, vì cơ hội tìm kiếm việc làm mới đối với nhóm tuổi lao động từ 35 đến trên 40 rất khó, trong khi chưa đủ tuổi cũng như đủ năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Trong bối cảnh này, bảo hiểm thất nghiệp chính là nguồn thu nhập giúp người lao động giảm bớt khó khăn tạm thời.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Hoàng Nhung - làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Bắc Ninh - cho biết, không ai muốn thất nghiệp để hưởng trợ cấp nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà người lao động có thể bị mất việc hoặc nghỉ việc. Nếu không cho họ hưởng trợ cấp thất nghiệp không chỉ người lao động rất thiệt thòi mà thậm chí đề xuất này còn tạo cơ hội cho người sử dụng lao động gây khó dễ, khiến người lao động dễ bị sa thải.

Quay lại câu chuyện những tháng đầu năm 2023, trước làn sóng sa thải công nhân lao động lớn tuổi, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên tiếng, chính sách thải loại lao động cao tuổi là một hiện trạng đã có khá lâu và là điều đáng báo động, bởi tình trạng này sẽ càng làm cho bài toán an sinh xã hội thêm khó.

Bảo đảm nguyên tắc “đóng - hưởng”

Nhiều ý kiến bày tỏ, trong bối cảnh thị trường lao động việc làm đối mặt với không ít thách thức thì bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, với mục tiêu hỗ trợ người lao động duy trì công việc, bù đắp một phần thu nhập nếu không may mất việc làm. Như vậy, đối chiếu theo đề xuất mới, việc người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp xem ra lại đi ngược với bản chất, ý nghĩa quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp là chia sẻ gánh nặng tài chính với người lao động trong lúc chưa tìm được việc làm.

Do vậy, góp ý về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Ủy ban Xã hội lưu ý, cần cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng tại Điều 58 và quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại điểm b khoản 1 Điều 64; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.

Đồng quan điểm với Ủy ban Xã hội, nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp có mục đích quan trọng nhất là bù đắp thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định này để tạo điều kiện cho những người lao động nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.

Cùng chung nỗi băn khoăn trong Điều 64 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức, ông Nguyễn Trần Phượng Trân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, quy định này chưa phù hợp với chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay. Quy định này giới hạn, thu hẹp đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn so với Luật hiện hành. Cơ quan soạn thảo cần tách biệt giữa trường hợp người lao động chịu hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức với việc người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan