Đẩy mạnh phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên năm 2023
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) đã ban hành Công văn số 278/ATTP-NĐTT về việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng.
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) đã ban hành Công văn số 278/ATTP-NĐTT về việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng.
Đây được coi là chỉ đạo cần thiết và kịp thời, nhằm ứng biến với những trường hợp ngộ độc do độc tố tự nhiên có thể xảy ra trong tương lai. Theo số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, thời điểm mùa Xuân hằng năm và đầu mùa Hè là giai đoạn thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng,...) dẫn đến những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa. Trong đó, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là nơi ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc do yếu tố tự nhiên nhất trên cả nước.
Nấm Destroying Angels (nấm thiên thần hủy diệt) là loại nấm cực độc, có đặc điểm bên ngoài rất giống với loại nấm ăn được là nấm mỡ và nấm cỏ tranh (Ảnh: laodong.vn/)
Theo Công văn chỉ đạo, để chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm các Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh triển khai đầy đủ và đúng trọng tâm các nội dung sau:
Một là, phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dung các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc ̣ như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ...; chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc.
Ba là, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
Bốn là, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.
Trong quá trình thực hiện các nội dung, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) yêu cầu các đơn vị phải tích cực phối hợp với các ban, ngành, đơn vị có liên quan, xây dựng phương hướng thực hiện phù hợp, triển khai đầy đủ các yêu cầu và tiến hành báo cáo kết quả hoạt động theo quy định.
Quang Ngọc
Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link