A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuỗi cung ứng ngắn khơi thông dòng chảy nông sản của hợp tác xã

Một trong những điểm yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay là trải qua nhiều khâu trung gian. Vì vậy, cắt bớt các khâu trung gian, hình thành chuỗi cung ứng ngắn là việc cấp thiết giúp nâng cao lợi nhuận của các HTX, nhất là trong lúc chi phí đầu vào, chi phí phụ trợ chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay.

Thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, đó là dù sản xuất theo tiêu chuẩn nhưng giá bán nông sản của HTX ngay tại ruộng lại rất thấp trong khi giá đến tay người tiêu dùng lại rất cao. Nghịch lý này khiến các HTX chịu nhiều thiệt thòi vì lợi nhuận chủ yếu vào các khâu trung gian.

Gánh nặng chi phí trung gian

Thực tế trên đã tồn tại trong thời gian dài và dường như đang là “điểm nghẽn” chưa giải quyết được trên diện rộng. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là khâu cung ứng thực phẩm hiện nay vẫn chủ yếu theo mô hình truyền thống với nhiều tầng nấc, công đoạn trung gian, khiến người tiêu dùng không có sự tương tác trực tiếp với người sản xuất nông nghiệp (hộ nông dân, HTX).

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên phó giám đốc đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên ủy viên BCH Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết nông sản từ trang trại đến bàn ăn hiện nay ít nhất cũng qua 4-5 khâu. Mỗi khâu trung gian này đều sẽ tính toán giá bán, khấu trừ lợi nhuận khoảng 5-15%, khiến giá sản phẩm đến đích cuối cùng là người dùng cũng sẽ cao hơn ít nhất 4-5 lần.

Trong khi hiện nay, nếu như vẫn còn nhiều HTX phụ thuộc đầu ra bởi thương lái thì không ít nhà bán lẻ vẫn có những lúc chưa chủ động trong tìm kiếm nguồn hàng hóa. Thay vì chủ động sản xuất, liên kết với HTX thu mua tại gốc, có siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn chờ xe hàng của các lái buôn. Do đó, chi phí sản phẩm ắt phải đội lên.

“Cùng là thịt lợn nhưng khi tôi mua ở chợ truyền thống có giá 130.000 đồng/kg nhưng khi vào siêu thị giá là 219.000 đồng/kg. Giá cả chênh lệch gần gấp đôi nhưng phía nhà bán lẻ đưa ra nguyên nhân của việc này là do đầu tư chi phí cho các khâu như vận chuyển, bảo quản, quầy kệ, quảng cáo nguồn gốc sản phẩm…”, ông Vinh dẫn chứng.

-5827-1661247208.jpg

Nông sản khi đến tay người tiêu dùng có giá rất cao trong khi HTX, người dân bán nông sản tại ruộng có giá rất thấp.

Theo tính toán của các thành viên HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế (Bắc Giang), từ sản xuất đến khi một con gà ủ muối tiêu đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị, chi phí HTX bỏ ra chiếm 35-37% giá trị chuỗi. Nếu như vậy, các thành viên HTX là người trực tiếp làm ra con gà không có lợi nhuận, vì thế mà HTX chưa thể đưa mặt hàng này vào các siêu thị.

Còn ông An Tú Anh, Giám đốc HTX Rau Tân Yên (Đồng Nai) cho biết, khâu vận chuyển nông sản trải qua nhiều chi phí trung gian, trong khi giá cước vận tải còn cao vì dù giá xăng có giảm nhưng các đơn vị vận chuyển chưa giảm cước ngay. Thậm chí có trường hợp giá cước “không lên thì thôi chứ đã lỡ lên rồi thì khó mà giảm xuống” đã khiến chi phí vận hành, trung chuyển của HTX bị đội lên. Hơn thế nữa, tình hình thời tiết, chi phí mua phân thuốc, thuê nhân công cũng tác động không nhỏ tới nguồn cung của nhiều loại nông sản.

Cần tính chuyện đường dài

Thực chất, câu chuyện cắt giảm các khâu trung gian trong sản xuất kinh doanh nông sản là vấn đề không phải bây giờ mới bàn tới. Đây là vấn đề cần giải quyết không chỉ để ổn định thị trường trong giai đoạn hiện nay, mà còn hướng tới nâng cao giá trị cạnh tranh cho nhiều loại hàng hóa trên thị trường. Đặc biệt, khi cắt giảm được các khâu trung gian sẽ giúp hạn chế tình trạng người nông dân, HTX bị ép giá, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua các loại nông sản với giá cao.

Theo các chuyên gia, để giảm bớt các khâu trung gian, cần phải hình thành được các chuỗi cung ứng ngắn đi thẳng từ nơi sản xuất đến các cửa hàng (người dân, HTX tự mở các cửa hàng nông sản hoặc nhà bán lẻ liên kết trực tiếp với người dân, HTX bao tiêu nông sản…).

Chuỗi cung ứng ngắn giúp hàng hóa tươi hơn, ít hao hụt hơn, chi phí thấp hơn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng ngắn còn giảm nạn hàng hóa bẩn, hàng hóa lậu chen chân vào quá trình phân phối, vận chuyển, xóa bỏ tình trạng độc quyền. Những HTX, doanh nghiệp nào làm ăn chân chính sẽ trụ vững.

Ông Mai Quang Vinh, Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, cho biết ở Hàn Quốc chuỗi cung ứng ngắn giúp nông dân trồng rau muống có nguồn thu tăng từ 2.000 đồng/bó lên 6.000 đồng/bó. Như vậy, người làm ra sản phẩm được hưởng lợi. Nhưng điều quan trọng ở Việt Nam hiện nay là triển khai chuỗi cung ứng ngắn như thế nào cho phù hợp?

Thực chất, chuỗi cung ứng ngắn đã phổ biến ở các nước phát triển nhưng chưa được phổ biến ở Việt Nam. Chính vì vậy, để phát triển được chuỗi này, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn đầu chưa nên phát triển đại trà, mà cần tập trung xây dựng chuỗi ở những vùng sản xuất lớn như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… để làm thí điểm, sau đó có rút kinh nghiệm, tổng kết, nhân rộng.

Và muốn làm được phải có nhiều bộ ngành cùng chung tay. Nhà nước cũng phải có chính sách riêng về chuỗi cung ứng ngắn để HTX, doanh nghiệp bám vào đó thực hiện. Ông Vũ Vinh Phú cho biết ngay như ở Thái Lan, chỉ tính riêng ngành mía đường, Nhà nước Thái Lan đã ban hành luật quy định rõ người sản xuất trực tiếp ra cây mía sẽ hưởng 65% lợi nhuận từ chuỗi, còn các khâu còn lại hưởng 35%. Điều này trái ngược hoàn toàn ở Việt Nam nên người dân, HTX trồng mía mới teo tóp dần.

Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả trong thực tiễn, chính sách về chuỗi cung ứng ngắn cần bảo đảm tạo điều kiện cho người dân, HTX, doanh nghiệp cả về khía cạnh trực tiếp và gián tiếp như: chính sách về vận tải trong vận chuyển nông sản, các chính sách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch nông sản…

“Sàn giao dịch nông sản là hoạt động hiệu quả, giúp cắt giảm rất nhiều khâu trung gian, giúp người dân, HTX làm chủ với sản phẩm của mình làm ra. Thông qua đấu giá, ai mua nông sản với giá cao nhất thì HTX bán chứ không phải vào xin siêu thị nhập hàng như hiện nay. Đây là điều vô lý vì người dân sản xuất ra sản phẩm của mình thì phải là người có quyền cao nhất. Nếu họ khó khăn, thua lỗ thì làm gì có sản phẩm mà tiêu dùng, xuất khẩu”, ông Vinh phân tích.

Còn theo ông Mai Quang Vinh, để cắt giảm khâu trung gian, Nhà nước cần giảm bớt thủ tục hành chính. “Có trường hợp 1 thanh socola trước khi ra thị trường phải qua 13 cửa xin giấy tờ, dấu má thì làm sao HTX, doanh nghiệp có lợi nhuận. Và nếu người làm ra không có lợi nhuận thì ngành hàng lại nhanh chóng thuộc về tay doanh nghiệp nước ngoài”, ông Vinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng hàng giả hàng lậu xâm nhập vào các chuỗi nông sản, làm mất thương hiệu chuỗi cung ứng của HTX. Có như vậy những HTX làm ăn chân chính mới yên tâm liên kết các nhóm hàng để giảm bớt các khâu trung gian.

Đặc biệt, khi hình thành được các khu chế biến sâu, kho đông lạnh sẽ giúp nâng cao lợi thế ngành hàng nông sản. Điều này được các nước trên thế giới rất quan tâm khi hỗ trợ nông dân, HTX gửi hàng trong kho lạnh miễn phí, từ đó hạn chế được chi phí trung gian. Chính vì vậy, bên cạnh sự cố gắng của người dân, HTX, cơ quan quản lý cũng cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng thì chế biến mới chiếm phần lớn trong chuỗi giá trị chứ không phải chỉ 20-30% như hiện nay.

Huyền Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết