A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chia sẻ cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh Tây Bắc phát triển

Ngày 13/5, Hiệp hội DN tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác, phát triển với Hiệp hội DN các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

Hội nghị có chủ đề: “Chia sẻ cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh miền núi Tây Bắc” và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp 4 tỉnh Tây Bắc về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.

Tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu là các tỉnh khu vực Tây Bắc, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống cách mạng vẻ vang; có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, nhiều di sản văn hóa đặc sắc và hấp dẫn, nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực như: nông lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, chế biến, thủy điện và du lịch.

Chia sẻ cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh Tây Bắc phát triển

Các doanh nghiệp miền núi Tây Bắc chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa

Với nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hóa, trong những năm qua, 4 tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, du lịch khu vực Tây Bắc được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng du lịch của cả nước với những thế mạnh vốn có về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại khu vực, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh đó đã tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều du khác trong nước và Quốc tế.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các tỉnh đều triển khai thực hiện thành công chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch từng bước được phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đến nay, các doanh nghiệp trong vùng với khoảng trên 6.000 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về quy mô vốn và công nghệ, sản phẩm làm ra chưa có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Ítt doanh nghiệp có khả năng tham gia sản xuất, kinh doanh, đầu tư ở những lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn và công nghệ cao.

Hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung ở thị trường trong nước, số doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế còn hạn chế, quy mô xuất khẩu còn thấp, trình độ phát triển du lịch giữa các tỉnh còn chưa đồng đều, chưa có sản phẩm du lịch đặc sắc, hướng khai thác sản phẩm còn trùng lặp, thiếu tính đặc thù; sự liên kết du lịch Tây Bắc mới chỉ phát triển tập trung vào một số địa bàn, tình trạng quá tải vào mùa cao điểm, trong khi một số địa bàn có tiềm năng nhưng thiếu đầu tư, chưa thu hút được du khách; lượng khách các tỉnh Tây Bắc đi thăm quan các điểm du lịch trong vùng còn thấp do chưa có sự kết nối chặt chẽ…

Chia sẻ cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh Tây Bắc phát triển

Doanh nghiệp 4 địa phương sẽ nhận được sự hỗ trợ pháp lý từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Tại hội nghị, ông Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, hội nghị nhằm trao đổi, chia sẻ những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những cách làm hay, linh hoạt, mô hình hoạt động hiệu quả, công tác xúc tiến đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, bất động sản...

Cùng với đó là các công tác tham mưu, phối hợp giữa Hiệp hội với chính quyền địa phương. Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp của chính quyền để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới; Luật đấu thầu cũng như một số dự thảo Luật (sửa đổi) liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay các hợp đồng sản xuất kinh doanh đều có điều khoản về giải quyết tranh chấp, nhưng rất ít doanh nghiệp quan tâm. Doanh nghiệp vẫn chưa biết tới có một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả đó là trọng tài và hòa giải. Phương thức này có rất nhiều ưu thế với phương pháp hòa bình, an toàn, bảo mật trong thông tin kinh doanh và tiết kiệm thời gian. Việc việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp 4 tỉnh Tây Bắc sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; xúc tiến đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, bất động sản; công tác tham mưu, phối hợp giữa Hiệp hội với chính quyền địa phương. Đồng thời, nêu một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như giá vật liệu xây dựng, vật liệu đất san nền, đắp nền; lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, công tác giải phóng mặt bằng; tài chính ngân hàng...

Đại diện các địa phương cũng đã trao đổi, chia sẻ những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những cách làm hay, linh hoạt, mô hình hoạt động hiệu quả, xúc tiến đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, bất động sản... Cùng với đó, tham mưu, phối hợp giữa hiệp hội với chính quyền địa phương; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp của chính quyền để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới; Luật Đấu thầu cũng như một số dự thảo Luật (sửa đổi) liên quan đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước đó,vào năm 2022, tại tỉnh Sơn La, hội doanh nghiệp 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã ký Biên bản ghi nhớ về việc liên kết, hợp tác, phát triển Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh, phát huy nội lực của các doanh nghiệp để cùng phát triển.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết