A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm nền tài chính an toàn, bền vững

Nghị quyết số 07, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 07) là kim chỉ nam dẫn đường cho các địa phương nói chung và Lâm Đồng nói riêng thực hiện có hiệu quả các vấn đề liên quan đến ngân sách nhằm tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế
Tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế
 
Thực hiện Nghị quyết trên, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến hết năm 2019, Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu được UBND tỉnh cam kết với cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó có việc, để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, UBDN tỉnh đã ban hành các kế hoạch, đề án về chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp về mô hình hoạt động, tiếp cận các nguồn lực để phát triển; kiện toàn Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình của tỉnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
 
Xác định nông nghiệp và du lịch là các ngành kinh tế động lực, Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp nhằm tiếp tục khẳng định và phát triển các ngành này. Việc đăng ký cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã góp phần nâng cao chất lượng cạnh tranh, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: rau, hoa, chè, cà phê. Các hoạt động quảng bá, hội nghị xúc tiến du lịch cũng được chú trọng nhằm phát triển ngành Du lịch chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và cạnh tranh; xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, là điểm đến “An toàn - Thân thiện”. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Giai đoạn 2016 - 2020, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả vượt bậc. Giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp gấp 1,3 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5%. Giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha, tăng 33,6 triệu đồng/ha so với năm 2015 (chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh là 180 triệu đồng/ha); tiếp tục khẳng định thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động năm 2020 tăng rõ nét, đạt 112,2 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 63 triệu đồng năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 33,1% năm 2015 lên 40,5% năm 2020; nông, lâm, thủy sản giảm từ 49,4% năm 2015 xuống còn 40,35% năm 2020; công nghiệp - xây dựng tăng từ 17,5% năm 2015 lên 19,3% năm 2020.
 
Quy mô thu ngân sách ngày càng được mở rộng, thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2021 tăng cao so với giai đoạn 2010 - 2015 (222%), tốc độ tăng thu ngân sách bình quân 15%/năm. Thu NSNN giai đoạn 2016 - 2021 cơ bản đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao. .
Tỷ trọng chi đầu tư tăng dần qua từng năm, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách; tốc độ tăng chi thường xuyên được kiểm soát (tốc độ tăng chi thường xuyên bình quân 4,47%/năm), thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng chi đầu tư phát triển (12,01%/năm).
 
Khả năng tự cân đối của ngân sách địa phương ngày càng tăng, giảm dần tỷ trọng nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương: Năm 2017, đầu thời kỳ ổn định ngân sách, tỷ lệ nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương là 44,7%, đến năm 2022, tỷ lệ này là 28%. Ngân sách các huyện, thành phố cũng tăng dần mức độ tự đảm bảo chi, giảm số bổ sung từ ngân sách cấp trên (từ 49% năm 2017 xuống còn 43% vào năm 2022).
 
Nợ công của tỉnh được quản lý chặt chẽ, vẫn ở mức thấp so với hạn mức địa phương được vay. Chỉ sử dụng nguồn nợ công để chi cho đầu tư phát triển. Tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị từng bước được sắp xếp, tổ chức lại, tinh gọn hơn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả...
 
Bên cạnh những chuyển biến, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07, những hạn chế, tồn tại dần bộc lộ và được tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn nhìn nhận. Việc tỷ lệ huy động từ thuế phí trên tổng thu NSNN có chiều hướng giảm (giai đoạn 2010 - 2015 thu từ thuế phí chiếm tỷ trọng 64% tổng thu, giai đoạn 2016- 2021, chiếm tỷ trọng 58%). Các khoản thu từ khu vực Nhà nước và đầu tư nước ngoài vẫn còn thấp (tốc độ tăng thu chỉ vào khoảng 5%/năm). Các khoản thu không bền vững (thu từ đất nhà, thu xổ số kiến thiết) có xu hướng tăng cao hơn so với tốc độ tăng thu từ thuế phí (thu từ đất nhà tăng17,62%/năm, thu xổ số kiến thiết tăng 20,35%/năm). Tỷ lệ nhận trợ cấp của các địa phương vẫn còn cao (43% tổng chi), nguyên nhân là Trung ương ban hành nhiều chế độ chính sách an sinh xã hội, chính sách về tiền lương, bởi vậy địa phương phải tự cân đối; nhiều địa phương vùng khó khăn, khả năng và tiềm lực phát triển kinh tế còn hạn chế…
 
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07, Lâm Đồng tập trung khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tập trung vốn cho các công trình trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Thực hiện quản lý nợ công theo quy định; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của tỉnh ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư; chỉ thực hiện vay sau khi đánh giá đầy đủ hiệu quả của dự án, sự tác động lên quy mô nợ chính quyền địa phương và khả năng trả nợ. Đề cao ý thức triệt để thực hành tiết kiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong chi tiêu ngân sách và trong chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh theo tinh thần “có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội” như người đứng đầu Chính phủ đã nêu ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết