A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục

Năm học 2023 - 2024, sự nghiệp GD&ĐT được thành phố Hà Nội ghi nhận, bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023. Sở GD&ĐT là đơn vị thi đua đứng đầu Cụm Thi đua số 7 thành phố; đề xuất trình Chính phủ, UBND thành phố tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Góp phần vào thành tích đáng tự hào của ngành Giáo dục Thủ đô là phần công sức không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền mà báo chí đóng vai trò quan trọng…

Chia sẻ, đồng hành trong sự nghiệp đổi mới giáo dục

Năm học 2023 - 2024, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội có nhiều khởi sắc với những kết quả đạt được toàn diện ở các cấp, ngành học. Quy mô giáo dục Thủ đô đứng đầu cả nước với 2.875 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội; gần 2,3 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên.

Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương

Trong năm học này, thành phố đã xây mới, thành lập mới được 35 trường học; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 79,86%. Toàn thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm, triển khai thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hà Nội đã tổ chức an toàn 6 kỳ thi. Đặc biệt, năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn thành phố đạt 99,56% (tăng 11 bậc so với năm 2022).

Bên cạnh đó, học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. 12 học sinh Thủ đô đạt giải quốc tế; 184 em học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; 3 học sinh được lựa chọn tham gia đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2024; 2 giải Nhất, 1 giải Ba tại Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia; 35 học sinh đạt giải quốc gia trong cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm học 2023 - 2024. Hà Nội có hơn 5.000 học sinh giỏi cấp thành phố.

Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống dịch bệnh trong trường học, xây dựng “Trường học hạnh phúc” được quan tâm.

Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục

Phóng viên theo dõi mảng Giáo dục tác nghiệp trong một sự kiện

Hà Nội đã tổ chức thành công Liên hoan hợp xướng học sinh phổ thông thành phố Hà Nội năm 2023-2024; Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ X năm 2024. Trong năm học 2023 - 2024, 136 học sinh tại các trường THPT được kết nạp Đảng.

Hợp tác về GD&ĐT của thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên thế giới được tăng cường và đẩy mạnh.

Với những kết quả toàn diện đã đạt được, sự nghiệp GD&ĐT được thành phố ghi nhận, bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đánh giá, những thành tựu nổi bật của giáo dục Thủ đô có phần đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các nhà báo theo dõi lĩnh vực giáo dục.

Giáo dục là đề tài nhận được sự quan tâm lớn của báo chí vì sự tác động của nó tới mọi người, mọi nhà và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của cả nước, ngành Giáo dục Thủ đô lại nhận được sự quan tâm nhiều hơn so với các địa phương khác.

Bên cạnh việc phổ biến các chủ trương đường lối chính sách, các văn bản pháp luật có liên quan tới giáo dục để tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của Nhân dân về giáo dục thì việc phản ánh những mô hình mới tiên tiến, những cách làm hay trong giáo dục theo xu hướng đổi mới cùng những tấm gương người tốt việc tốt của các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên, học sinh đã tạo ra sự lan tỏa rất lớn trong xã hội.

“Ngành Giáo dục Thủ đô đang triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi nỗ lực lớn của toàn ngành và xã hội.

Tôi mong rằng các nhà báo, phóng viên theo dõi luôn đồng hành với ngành Giáo dục Thủ đô; tuyên truyền kịp thời, có sức thuyết phục cao các chủ trương, chính sách của ngành; biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Đồng thời, báo chí cùng chia sẻ những khó khăn của ngành để xây dựng Giáo dục Thủ đô ngày càng phát triển”, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương chia sẻ.

Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục

Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 tại điểm thi trường THPT Việt Đức (Ảnh: Phạm Mạnh)

Báo chí - diễn đàn giáo dục cởi mở, đa chiều

Không chỉ nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô, trong dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhiều lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng chia sẻ những phản hồi tích cực về công tác thông tin tuyên truyền của báo chí.

Cô Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, cho biết: “Những điều tốt đẹp mà nhà trường làm được, nhận được, ngoài sự ủng hộ tin tưởng của phụ huynh, Nhân dân, chính quyền địa phương và các cấp quản lý giáo dục còn có sự ghi nhận và lan tỏa của các cơ quan báo chí.

Điều đó đã trở thành sức mạnh vô hình, nhân lên niềm tự hào, tạo động lực rất lớn cho tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường tiếp tục phấn đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới Giáo dục của quận Ba Đình và Thủ đô”.

Nhận định người làm công tác giáo dục giống như “làm dâu trăm họ”, khó tránh khỏi những ý kiến đa chiều từ dư luận xã hội, nhà giáo Hoàn Châu cho rằng, báo chí cần nhìn nhận các sự việc một cách khách quan, làm nổi bật những mặt tốt, mặt tích cực mà ngành Giáo dục đã làm được; tránh tình trạng những mặt tiêu cực những mặt trái thì được thổi phồng lên.

Chất lượng nội dung của các bài báo cũng cần đáp ứng nhu cầu quan tâm của xã hội, phải tiêu biểu, có ý nghĩa, có sức lan tỏa. “Báo chí hãy đồng hành cùng ngành xây dựng môi trường giáo dục thực sự nhân văn, tốt đẹp, để học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tôn vinh truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc”, cô Lê Hoàn Châu chia sẻ.

Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục

Góp phần vào thành tích đáng tự hào của ngành Giáo dục Thủ đô là phần công sức không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền mà báo chí đóng vai trò quan trọng

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đánh giá, báo chí là diễn đàn trao đổi các quan điểm về giáo dục một cách cởi mở, tích cực, đa chiều. Từ đó, giáo viên, phụ huynh hiểu rõ những mong muốn, nguyện vọng đối với giáo dục; điều chỉnh hành vi, quyết sách phù hợp cho công việc.

Báo chí cũng là nguồn thông tin vô hạn, thức thời, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách giáo dục cho học sinh.

Đối với các thầy cô giáo, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Qua báo chí, các thầy cô được biết tới những mô hình giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được áp dụng cả trong và ngoài nước. Từ đó, mỗi thầy cô đều có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn thiện hơn công tác giảng dạy của mình.

Những câu chuyện giáo dục được chia sẻ trên báo chí cũng giúp thầy cô có sự chủ động, tích cực trong ứng xử với học trò, với phụ huynh để đạt được hiệu quả giáo dục như mong muốn. Đặc biệt, bằng việc thường xuyên cập nhật các thông tin về đời sống, phong cách sống của giới trẻ mà báo chí phản ánh, các thầy cô có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của học trò để kịp thời có những điều chỉnh tốt nhất.

Bên cạnh những tác phẩm báo chí đi vào nêu gương những mặt tích cực của giáo dục thì còn nhiều tác phẩm đi sâu vào phân tích một số vấn đề “nóng”. Lúc này, báo chí đóng vai trò là người bạn đồng hành, là cầu nối giúp cho cơ quan quản lý nhà nước hiểu thêm về thực tiễn, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, thúc đẩy giáo dục - đào tạo phát triển bền vững.

“Thực tế với các hoạt động giáo dục ở nhà trường hiện nay luôn có sự đồng hành của báo chí, không chỉ trong công tác giảng dạy mà còn ở các hoạt động giáo dục kĩ năng, năng lực cho học sinh. Điều này đã tạo ra những hiệu ứng lan toả tích cực trong xã hội.

Các cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường có thể học hỏi thêm kinh nghiệm, mô hình giáo dục của các trường bạn. Phụ huynh và học sinh cũng có cơ sở để thêm phần tin tưởng môi trường giáo dục của con em mình. Các hoạt động của nhà trường có sự kết nối của báo chí sẽ dễ tiếp nhận và có tính thuyết phục cao hơn”, cô Nguyễn Thị Lý chia sẻ.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan