Băn khoăn về công tác đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công
Trong khi các cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thường xuyên đều có thời gian 3 năm một lần, thì ở Hải Phòng công tác này chỉ cho làm năm một.
Công nhân Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thuỷ Hải Phòng duy tu, sửa chữa báo hiệu đường thuỷ nội địa |
Doanh nghiệp chỉ được thanh toán 9 đến 10 tháng/năm?
Trong vòng 3 năm qua, cứ đến cuối tháng 12, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hải Phòng cũng có văn bản gửi những doanh nghiệp đang thực hiện các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bộ, đường thuỷ nội địa, hệ thống tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố (thuộc phạm vi quản lý của Sở GTVT).
Nội dung văn bản đề nghị: “Trong khi chưa lựa chọn được nhà thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thường xuyên, để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Sở GTVT yêu cầu các nhà thầu đang thực hiện hợp đồng cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công thường xuyên năm 2022 tiếp tục quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống tín hiệu giao thông từ ngày 1/1/2023 cho đến khi Sở GTVT lựa chọn được xong nhà thầu… năm 2023”.
Tuy nhiên, công tác lập danh mục kinh phí, thẩm định, lựa chọn nhà thầu năm nào cũng bị chậm từ 1 đến gần 3 tháng. Cụ thể, năm 2021 chậm 1 tháng, năm 2022 chậm gần 2 tháng, năm 2023 chậm gần 3 tháng.
Công nhân Công ty CP Đường bộ Hải Phòng sửa chữa nhà chờ xe buýt trên tuyến đường Bùi Viện |
Ông Trần Văn Cao, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo trì giao thông công cộng và Đăng kiểm thủy thuộc Sở GTVT, cho biết: “Năm 2024, dự kiến công tác lựa chọn nhà thầu sẽ chậm 1 tháng”.
Theo ông Nguyễn Đạt Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường bộ Hải Phòng: “Năm 2023, công tác đấu thầu chậm gần 3 tháng, cụ thể đến ngày 31/3/3023 mới có kết quả đấu thầu. Trong 3 tháng này, công tác bảo trì, duy tu, quản lý đường bộ chúng tôi vẫn phải làm, vẫn phải trả lương, BHXH… cho người lao động.
Phần công việc thực hiện trước khi ký hợp đồng công tác quản lý, duy tu bản dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh năm 2023, chúng tôi không được thanh toán gần 600.000.000 đồng; năm 2022 hơn 400.000.000 đồng; năm 2021 gần 200.000.000 đồng…”.
Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy nội địa Hải Phòng, ông Đỗ Văn Thuận cho biết: “Trong 3 năm qua, doanh nghiệp chúng tôi phải bù lỗ do công tác lựa chọn nhà thầu muộn của thành phố gần 2 tỷ đồng.
Sở GTVT phát văn bản yêu cầu chúng tôi “tiếp tục quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống tín hiệu giao thông từ ngày 1/1/2023 cho đến khi Sở GTVT lựa chọn được xong nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống tín hiệu giao thông… năm 2023”.
Tuy nhiên trong 3 tháng này, Sở GTVT không có cơ chế thanh toán cho các doanh. Khi quyết toán, chúng tôi chỉ được thanh toán chi phí công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên từ khi ký hợp đồng và có quyết định công nhận trúng thầu của cơ quan có thẩm quyền”.
Ông Bùi Duy Đông, Giám đốc Công ty CP Điện chiếu sáng HP cho biết thêm: “Năm 2023, doanh nghiệp phải bù lỗ 300.000.000 đồng; năm 2022, bù lỗ gần 200.000.000 đồng. Nếu năm 2024 công tác đấu thầu chậm 1 tháng thì chúng tôi phải bù lỗ 100.000.000 đồng…”.
Giải pháp nào tháo gỡ cho doanh nghiệp?
Ông Trần Văn Cao, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo trì giao thông công cộng và Đăng kiểm thuỷ thuộc Sở GTVT cho biết: “Từ tháng 8 - 9 năm trước, Sở GTVT làm kế hoạch cho năm sau, có mời các Sở, ngành tham gia lập danh mục kinh phí. Tuy nhiên, kinh phí của thành phố năm nào cũng thiếu, không đủ so với định mức.
Chúng tôi đề xuất tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng nhưng khi duyệt chỉ có 170 - 180 tỷ đồng. Công tác thẩm định thường bị cắt giảm khiến quá trình Sở GTVT, Sở Tài chính trình và thẩm định rất mất thời gian.
Một nguyên nhân nữa là do Sở GTVT thường chốt số liệu chậm so với các Sở khác, do phụ trách nhiều mảng, nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Sở đang thông báo mời thầu cho năm 2024, vì vậy dự kiến các gói thầu sẽ chậm từ 20 ngày đến 1 tháng…”.
Công nhân Công ty CP Đường bộ Hải Phòng duy tu bảo dưỡng cầu |
Cũng theo ông Trần Văn Cao, về công tác này, Cục Đường bộ (Bộ GTVT) ủy thác cho các địa phương làm các gói thầu 3 năm một lần từ ngày 1/4/2020 đến 1/4/2024. Trước đó, Cục Đường bộ cho phép gia hạn thực hiện hợp đồng với các nhà thầu như hợp đồng cũ. Cục Đường thủy chưa có việc đấu thầu 3 năm nhưng cho phép gia hạn hợp đồng 2 tháng.
Trước đây, Sở GTVT đã có văn bản (năm 2020) đề xuất Sở Tài chính đồng thuận cho phép hợp đồng 3 năm đối với các gói thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhưng UBND TP chỉ duyệt cho đấu thầu mỗi năm một lần, từ ngày 1/1 đến 31/12 hàng năm. Do đó, dù chúng tôi có làm trước kế hoạch vài tháng cũng không kịp vì phải chờ HĐND TP phê duyệt vào kỳ họp cuối năm và công tác lựa chọn nhà thầu phải mất 1 tháng theo luật đấu thầu…”.
Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Nghị định số 32/2019 NĐ-CP đều không có điều khoản nào cấm các chủ đầu tư buộc phải chọn gói thầu 1 năm hay nhiều năm. Luật Đầu tư công còn quy định rõ, đối với các trường hợp khác thì người quyết định đầu tư sẽ quyết định…
Ông Đỗ Văn Thuận, Giám đốc Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thuỷ nội địa Hải Phòng nhận định: “Việc thực hiện các gói thầu này trong thời gian 3 năm sẽ giảm tải áp lực công tác cải các hành chính cho các Sở, ngành thành phố.
Các doanh nghiệp trúng thầu sẽ chủ động trong công việc và sẽ đầu tư các phương tiện, trang thiết bị để thực hiện gói thầu tốt hơn. Mặt khác, Nhà nước sẽ được lợi khi giá nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công… năm nào cũng trượt giá nhưng không phải bù lỗ cho các gói thầu…”.
Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng và UBND TP Hải Phòng sớm có giải pháp giải quyết những bất cập này trong năm 2024 và những năm tiếp theo.