A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện áp dụng từ 1/1/2025

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 35/2024/TT-BYT quy định Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện.

Theo đó, tại Điều 1 Thông tư 35 đã quy định 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện, gồm:

Thứ nhất: Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất quy định tại Mục I, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như Bệnh viện phải có địa điểm cố định; phải có lối đi cho xe cứu thương ra vào khu vực cấp cứu; có biển hiệu, sơ đồ và biển chỉ dẫn đến các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính…

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thứ hai: Tiêu chuẩn về quy mô và cơ cấu tổ chức quy định tại Mục II, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như: Bệnh viện phải có cơ cấu tổ chức gồm các khoa: khám bệnh, lâm sàng, cận lâm sàng, khoa dược và các bộ phận phụ trợ.

Khoa khám bệnh phải có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu, phòng khám, phòng thực hiện kỹ thuật, thủ thuật (nếu thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật).

Thứ ba: Tiêu chuẩn về nhân sự quy định tại Mục III, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như: Người hành nghề được phân công công việc phù hợp với phạm vi hành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Người hành nghề được cập nhật kiến thức y khoa liên tục….

Thứ tư: Tiêu chuẩn về thiết bị y tế quy định tại Mục IV, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT;

Thiết bị y tế để thực hiện kỹ thuật thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hồ sơ quản lý đối với các thiết bị đó; quy chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, thay thế vật tư linh kiện, bảo quản thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ năm: Tiêu chuẩn về chuyên môn quy định tại Mục V, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BYT như: Điều trị nội trú, tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ của tất cả các ngày; Quy trình khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú; Phổ biến, áp dụng và xây dựng quy trình chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh

Thông tư của Bộ Y tế nêu rõ, tiêu chuẩn chất lượng cơ bản này chỉ áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện.

Bộ Y tế nêu rõ việc thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản một lần một năm; thời gian thực hiện đánh giá trong Quý I của năm liền kề tiếp theo; xếp loại đánh giá.

Nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: toàn bộ các tiêu chuẩn đều “Có” trong cột “Kết quả đánh giá”;

Nếu không đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản: có bất kì một tiêu chuẩn “Không” trong cột “Kết quả đánh giá”.

Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm làm đầu mối chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này và hướng dẫn đánh giá, nội dung chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao;

Cục theo dõi, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện theo quy định của Thông tư này.

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;

Sở theo dõi, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đánh giá tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện theo quy định của Thông tư này.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này; Rà soát, bổ sung và khắc phục để bảo đảm duy trì chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ở mức cơ bản. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan