A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Tốt gỗ” tốt cả “nước sơn”

Hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị của các sản phẩm không chỉ tốt về chất lượng mà còn cả hình thức, đó là bao bì, nhãn mác... Điều này góp phần kích thích, tạo niềm tin cho người tiêu dùng mà nhiều doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất đã hướng đến với phương châm "tốt gỗ" tốt cả "nước sơn".

Công ty tinh dầu Hoa Nén chú trọng mẫu mã bao bì để sản phẩm vươn xa hơn

Chú trọng cải tiến mẫu mã

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tinh chế dầu dược liệu, anh Trương Bắc, Giám đốc Công ty sản xuất tinh dầu Hoa Nén cho rằng, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm bên trong tương đồng với hình thức đẹp đẽ bên ngoài. Chinh phục điều đó, mẫu mã, bao bì phải thể hiện rõ nhãn hiệu, đặc tính, tạo cảm xúc nhiều nhất cho người tiêu dùng và truyền thông điệp về nhãn hiệu.

Hiện nay, nhiều DN, nhà sản xuất đã chú trọng cải tiến hình thức, bộ nhận diện thương hiệu, như điều chỉnh, thay đổi thiết kế đối với những chi tiết nhỏ trên bao bì để nâng cao tính tiện ích, dễ mở, dễ bảo quản sản phẩm bên trong. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều sản phẩm hàng hóa có thương hiệu mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt. Sự bắt mắt, nổi trội ấy chính là điều kiện để người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận mà các DN, nhà sản xuất nhạy bén chú trọng cho “lớp áo” theo phong cách “nhập gia tùy tục”.

Bên cạnh chất lượng, Công ty tinh dầu Hoa Nén luôn chú trọng chai lọ, bao bì, nhãn mác

Anh Trương Minh Trường, Chủ DN Yến sào Minh Trường ở TP. Huế cho biết, mẫu mã, bao bì là một trong những tiêu chí tạo ra sự cạnh tranh khác biệt so với sản phẩm của các đối thủ. Thời gian qua, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, Yến sào Minh Trường còn chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Dành nhiều thời gian và công sức, đơn vị này phải thiết kế, chọn lô gô, chăm chút các loại bao bì, túi hộp dạng quà tặng... giúp khách hàng có thêm lựa chọn, tin dùng.

"Thực tế có nhiều sản phẩm xứ Huế bán rất chạy, rất thành công tại các siêu thị trong nước, nhưng khi chào mời bán hàng ra nước ngoài thì không đáp ứng do bao bì, mẫu mã chưa sang trọng, thiếu tinh tế. Tâm lý, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng là nhìn kiểu dáng để đánh giá chất lượng hàng hóa” - anh Trường chia sẻ.

Theo đại diện một số siêu thị ở TP. Huế, thời gian qua, các sản phẩm, mặt hàng Việt đã có nhiều cải tiến về mặt hình thức, tính tiện dụng của bao bì, mẫu mã, có nhiều sản phẩm đã chuyển sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với người dùng, hướng tới yếu tố bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn những cải tiến này đến từ những DN lớn trong nước, nhiều DN nhỏ vẫn còn gặp khó khăn trong việc cải tiến, thiếu sự đầu tư thiết kế bao bì, màu sắc…

Thẩm mỹ tiêu dùng ngày càng cao

Bao bì, mẫu mã đẹp đem lại giá trị truyền thông thương hiệu lớn, ngược lại sẽ khiến cho hàng hóa, sản phẩm không đọng lại ấn tượng đối với khách mua hàng, khiến cho việc quảng bá hình ảnh hạn chế.

Ông Huỳnh Hùng, P. Xuân Phú, TP. Huế cho biết, gia đình ông thường đi du lịch nhiều nơi. Với ông, mua sắm không chỉ là việc tìm mua những gì cần thiết mà còn là sự trải nghiệm về cảm xúc, thẩm mỹ. Ở các nước, như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm nội địa của họ đều được chú trọng đầu tư vào bao bì và chăm chút đến từng chi tiết, chỉ số ghi trên bao bì rất bắt mắt, hấp dẫn, đã chạm vào lòng tin của du khách nên không thể bỏ qua...

Xu thế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu “ăn no mặc ấm” đã dần chuyển sang “ăn ngon mặc đẹp”, do đó dù là “lướt” mua hàng trên mạng, sàn thương mại điện tử hay dạo các cửa hàng mua sắm, đa phần đều để mắt tới những sản phẩm có thiết kế, bao bì đẹp, tinh tế.

Nhiều người cho rằng, chất lượng tốt là điều bắt buộc nhưng hình thức bao bì, mẫu mã tốt, đẹp, bắt mắt, thân thiện với môi trường, cũng là điều quan trọng. Do vậy, thị hiếu người tiêu dùng ngày nay ở một sản phẩm không chỉ là “nước sơn” tốt mà “chất lượng gỗ” cũng phải tốt không kém.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, Việt Nam đã bước vào thời kỳ hội nhập phát triển, nhất là tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, đòi hỏi DN phải nỗ lực cạnh tranh bằng thương hiệu. Nhiều sản phẩm hàng hóa ở Huế, nhất là các sản phẩm nông sản bước đầu xuất khẩu nhưng chưa tạo lập được thương hiệu. Xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã, bao bì là điểm yếu chung của DN ở Huế. Do đó, để nâng cao giá trị xuất khẩu, các DN cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt coi trọng mẫu mã, bao bì, nhất là tạo ra những sản phẩm độc đáo mang bản sắc riêng của xứ Huế.

Hiệu quả mang lại từ thành công của thiết kế bao bì, mẫu mã là khiến cho sản phẩm, thương hiệu của DN ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, thu hút sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng. Các DN nhỏ và vừa gặp khó về cải tiến bao bì, mẫu mã do quy mô sản xuất chưa lớn. Hiện nay tỉnh đã có cơ chế chính sách hỗ trợ, các DN nhà sản xuất cần tiếp cận, đầu tư trang thiết bị máy móc, nắm bắt những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về thị trường, nâng cao năng lực thiết kế, tạo dựng bao bì, mẫu mã riêng biệt, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

 Bài, ảnh: Song Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan