A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bác sĩ nông học” về huyện Hồng Ngự trao đổi, chia sẻ các biện pháp sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Sáng ngày 29 và 30 tháng 11, tại mỗi điểm huyện Hồng Ngự và huyện Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp có khoảng 250 hội viên, nông dân tham dự Chương trình "Bác sĩ Nông học". Chương trình do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) tổ chức.

Tới dự chương trình, về phía đại biểu trung ương và tỉnh Đồng Tháp có: Đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đồng chí Phan Thị Kim Nhung – Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp và Đồng chí Bạch Tuấn Kiệt - Chi cục phó Chi cục chăn nuôi thú y và thủy sản Đồng Tháp.

Ngoài ra, tới dự chương trình còn có ông Đoàn Quốc Quân - Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển và Thị trường của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - đại diện đơn vị đồng hành cùng chương trình, các đồng chí đại diện lãnh đạo, các phòng ban chuyên môn của Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, lãnh đạo các phòng chức năng của huyện Hồng Ngự và Tháp Mười và các huyện lân cận, cùng các đồng chí phóng viên, biên tập viên của Đài PTTH tỉnh Đồng Tháp.

 Toàn cảnh Hội trường tại huyện Tháp Mười

Tại chương trình, các chuyên gia bảo vệ thực vật trực tiếp trả lời câu hỏi thắc mắc của bà con nông dân về các vấn đề phòng và điều trị bệnh, cách sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Nội dung được nông dân qua tâm nhiều nhất chính là phòng trị bệnh cho cây lúa và rau củ, cây ăn trái; phương pháp điều trị tận gốc bệnh vàng lùn trên cây lúa…

Ông Phạm Quý Ninh – Chuyên gia tư vấn nông nghiệp của nhãn hàng Phân bón Phú Mỹ giải đáp tại chương trình

Đồng thời, các chuyên gia cũng giải đáp thắc mắc cho nông dân về việc đốt rơm rạ ngay sau khi thu hoạch. Hành động này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến đất và ô nhiễm không khí, giảm dưỡng chất của đất ở các vụ sau. Đối với việc giá phân bón tăng cao, các chuyên gia cho rằng, đây là thực trạng chung của toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân cân đối lượng phân bón hợp lý để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất.

PGS. TS. Lê Văn Vàng – Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp Đại học Cần Thơ tham gia ban tư vấn của chương trình

Ngoài ra, chương trình tập trung hướng dẫn nông dân cách nhận biết và phòng ngừa một số loại bệnh gây hại và côn trùng thường gặp trong quá trình trồng trọt; tư vấn cách bảo quản và sử dụng vắc - xin trong chăn nuôi; cách sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi; phòng trị bệnh thường gặp trong nuôi trồng thuỷ sản…

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết